Tâm sự về bất đẳng thức ở bậc THCS

Trong chương trình toán cấp THCS, phần bất đẳng thức nằm ở phiên chợ chiều lớp 8, và trong chương trình lớp 9, không chính thức được nhắc lại. Cầm trên tay quyển SGK toán 8 tập 2, tôi tỉ mẩn ( có phần lẩm cẩm nữa) giở ra đếm: nội dung này chiếm 5/ 130 trang ( đã trừ mấy trang đầu sách và mục lục cuối sách). Lại lẩn thẩn thêm một chút nữa: Vậy là nếu tính cả 4 năm học với hai học kì/ năm, nó chiếm khoảng 5/1000 trang, vậy là 1/200 thời lượng.

Vậy mà dễ đến hàng chục năm nay, trong các đề thi học sinh giỏi lớp 9, nội dung này chiếm đến phân nửa, vừa trực tiếp yêu cầu chứng minh bất đẳng thức (BĐT), vừa gián tiếp trong các bài toán tìm cực trị trong cả đại lẫn hình, vận dụng BĐT để giải phương trình,…Và ngay trong đề thi vào 10, bài cuối cùng ( 0,5 đ), luôn là c/m BĐT hay tìm cực trị, cộng thêm với các câu nhỏ trong các bài khác, kiến thức liên quan đến BĐT cũng thường chiếm đến 1,5/10 điểm.

Đem nỗi ấm ức này ra tra vấn cậu em, mấy năm nay hình như cũng nằm trong hội đồng ra đề. Cậu kiên nhẫn nghe giọng tôi mỗi lúc một cao dần, thương cảm nhìn khuôn mặt tôi mỗi lúc một đỏ lựng, đôi lúc phải nghiêng đầu né tránh bàn tay tôi đang chém phần phật…. Cậu nhỏ nhẹ:

– Anh mắc bệnh nghề nghiệp thật rồi. Tất cả những thống kê anh đưa ra đều đúng, nhưng em hỏi thật anh: Trong cuộc sống hiện nay, anh thường gặp đẳng thức hay bất đẳng thức? Khi anh còn đi dạy, có phải anh đối xử với các trò đều như nhau? Hay khi anh lên làm quản lí, anh có đôi chút ưu ái người này, người khác? Em nói đơn giản thế này, nhà có hai đứa con sinh đôi, cùng điều kiện nhé, học cùng trường, cùng lớp nhé, cùng một nền giáo dục nhé, chúng đâu có hoàn toàn như nhau, thậm chí rất khác nhau ấy chứ.

Ngừng một chút như để cho tôi ngấm thuốc, cậu ta tiếp:

– Ai đó đã nói một câu rất hay, em không nhớ thật chính xác, đại loại thế này,” Điều hợp lí duy nhất hiện nay là biết chấp nhận những bất hợp lí.” Bình đẳng giới, nam nữ bình quyền, công bằng XH,…anh thấy thế nào? À, mà hơn thất tuần rồi, anh đã tìm được Giá Trị Lớn Nhất của cuộc sống chưa? bất đẳng thức đấy.

Thấy tôi ngẩn người, có vẻ choáng, cậu ái ngại:

– Toán học luôn gắn liền với cuộc sống, anh biết quá rõ điều đó rồi còn gì. Nó đâu có phải chỉ là khi anh dạy bài hình chữ nhật, anh chỉ cho học sinh tấm bảng đen trước mặt, các ô cửa quanh lớp để minh họa. Điều đó không sai, nhưng sơ đẳng lắm, phải cho chúng hiểu sâu sắc hơn cơ. Thế nên em cho rằng đề thi mang nội dung BĐT như thế là còn ít đấy, anh ạ.

Tôi cứng lưỡi. Thôi, đành chịu khó luyện thêm cho lò về BĐT vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *