Cộng, trừ trong phạm vi 100 (không nhớ)

KIẾN THỨC CẦN NHỚ

– Biết đặt tính, làm tính cộng, trừ (không nhớ) các số có hai chữ số.

– Cộng, trừ nhẩm các số trong phạm vi 100;

– Mối quan hệ giữa phép cộng và phép trừ.

– Vận dụng giải được bài toán có lời văn.

CÁC DẠNG TOÁN

Dạng 1: Thực hiện phép tính

Thực hiện phép tính cộng, trừ số có hai chữ số (không nhớ):

– Đặt tính sao cho các số cùng một hàng thẳng cột với nhau.

– Thực hiện phép tính từ phải sang trái, từ hàng đơn vị đến hàng chục.

Dạng 2: Bài toán có lời văn

– Đọc và phân tích đề bài: Xác định các số đã cho, số lượng tăng hoặc giảm và yêu cầu của bài toán.

– Tìm lời giải cho bài toán:

Em dựa vào các từ khóa “thêm”, “bớt”, “tất cả”, “còn lại”… để xác định phép tính cần dùng cho bài toán.

Bài toán yêu cầu tìm “cả hai” hoặc “tất cả” thì thường sử dụng phép tính cộng, tìm giá trị “còn lại” thì dùng phép tính trừ để tìm lời giải.

– Trình bày lời giải cho bài toán: Viết rõ ràng lời giải, phép tính, đáp số.

– Kiểm tra lại lời giải và kết quả em vừa tìm được

Dạng 3: So sánh

Muốn so sánh hai hoặc nhiều giá trị của phép trừ các số có hai chữ số thì cần:

– Thực hiện phép tính

– So sánh các kết quả vừa tìm được

BÀI TẬP VÍ DỤ

Ví dụ 1: Đặt tính và tính: 23 + 14

Bài giải:

Cộng, trừ trong phạm vi 100 (không nhớ)

  • 3 cộng 4 bằng 7, viết 7
  • 2 cộng 1 bằng 3, viết 3

Vậy 23 + 14 = 37

Ví dụ 2: Bạn Thư có 21 bông hoa, bạn Ánh có 25 bông hoa. Hỏi hai bạn có tất cả bao nhiêu bông hoa ?

Bài giải:

Số bông hoa của hai bạn là:

21 + 25 = 46 (bông hoa)

Đáp số: 46 bông hoa

Ví dụ 3: Điền dấu thích hợp vào chỗ chấm: 51 + 14 ….. 87 – 24

Bài giải:

51 + 14 = 65

87 – 24 = 63

Vì 65 > 63 nên 51 + 14 > 87 – 24

Dấu cần điền vào chỗ chấm là dấu “>”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *