Một số chia sẻ, kinh nghiệm về việc ôn thi “Cấp tốc”

Sau kỳ nghỉ Tết âm sẽ có thể coi là giai đoạn chạy nước rút cho các bạn học sinh cuối cấp.

Thời điểm này chắc chắn 1 trong những sự quan tâm lớn của phụ huynh chính là các khóa học, lớp học mang tính chất cấp tốc. Trước tiên, cần phải hiểu rằng, 1 khóa học cấp tốc là khóa học diễn ra trong thời gian ngắn, mang tính chất tinh giản, cô đọng các phần trọng tâm nhất và đi sâu vào nâng cao kỹ năng cá nhân của học sinh. Vậy, để học cấp tốc đạt hiệu quả, cần lưu ý những gì. Sau đây là 1 số chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của thầy Minh.

1. Lựa chọn lớp học uy tín, chất lượng

Đây là điều tối cần thiết, vì như đã nói ở trên, khóa cấp tốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu như các khóa học theo niên khi học vài tháng thấy chưa ổn còn có thời gian thay đổi thì với khóa cấp tốc, nếu vội vàng hay không có sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ mà chọn nhầm, chọn sai là thôi coi như phí thời gian vô ích. Tốt nhất mọi người nên lựa chọn các đơn vị, thầy cô có uy tín sẵn và có thông tin đầu ra rõ ràng, tránh kiểu chung chung, mập mờ rất khó đánh giá.

2. Có mục tiêu chính và lựa chọn chương trình học phù hợp nhất, đi thẳng vào trọng tâm

Một học sinh có thể thi nhiều trường khác nhau, vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng phân vân của phụ huynh khi chọn lớp cấp tốc cho con. Theo thầy Minh, dù có nhiều nguyện vọng nhưng mỗi gia đình cần đưa ra 1 mục tiêu mang tính chất ưu tiên, sát với khả năng của con nhất, có tính khả thi cao nhất, và tập trung theo mục tiêu đó; từ đó lựa chọn được chương trình học phù hợp nhất. Ví dụ: Con muốn thi cả Ams, Nguyễn Tất Thành, Ums và cảm thấy Nguyễn Tất Thành là trường vừa sức nhất, thì gia đình nên hướng tới các lớp đi sâu vào cấu trúc và dạng đề Nguyễn Tất Thành chứ không nên cố ép kiến thức để thi Ams. Khi thời gian không còn nhiều, việc ôm đồm hay đắn đo, không quyết đoán sẽ khiến việc học của con không được dồn đúng trọng tâm, ít nhiều gây ra tình trạng thấp không tới mà với không lên.

3. Phân chia thời gian ôn thi hợp lý:

Thường thì trước khi tham gia 1 khóa cấp tốc thì học sinh đã học 1 số lớp ôn dài hạn rồi. Do vậy việc dành thêm 1-2 buổi nữa cho chương trình cấp tốc chắc chắn phải được sắp xếp sao cho cân đối và thích hợp. Thực tế, các khóa cấp tốc là không bắt buộc, vì vậy con học đã quá dày lịch hoặc nếu phụ huynh cảm thấy con học như hiện tại vẫn đủ tự tin để đi thi thì không nhất thiết phải học lớp cấp tốc.

4. Sử dụng tài liệu học tập thích hợp

Trong quá trình ôn thi cấp tốc thì rõ ràng không thể cứ ôm hết sách nọ sách kia về học được. Vậy nên tập trung vào nguồn tài liệu như thế nào. Theo thầy Minh, tầm này thì việc chủ động tìm và học theo các đề thi, đặc biệt là đề thi từ những năm trước là điều tốt nhất. Hiện nay trên thị trường có một số bộ sách chuyên cho việc ôn luyện qua các đề (1 trong số đó là sách của thầy đã từng đăng lên nhóm), mọi người nên có ít nhất 1 quyển như vậy để con luyện tập thêm.

5. Không quá trông chờ vào 2 chữ “cấp tốc”

Xét cho cùng thì khóa học cấp tốc chỉ là khóa học ngắn hạn, vì vậy để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bản thân người học vẫn cần có được 1 hệ thống kiến thức được trang bị đầy đủ, vững chắc. Nói cách khác, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì cũng khó mà trông chờ vào 1 lớp “cấp tốc” trong đôi ba tháng. Ngay cả với các học sinh đã được học từ trước thì cũng không nên coi lớp cấp tốc là lớp chủ chốt, thực chất việc học cấp tốc là tăng cường và bổ trợ; chứ không phải là thay thế cho những gì mình đang có. Do vậy không nên nghĩ giai đoạn nước rút chỉ cần học cấp tốc là đủ, mà hãy có sự kết hợp giữa chương trình học bài bản và chương trình học rút gọn.

Trên đây là một vài chia sẻ của thầy Minh về giai đoạn học cấp tốc của học sinh. Tất nhiên, để hỗ trợ các con lớp 5, thầy và CLB MathExpress cũng đã có kế hoạch xây dựng chương trình học cấp tốc 1 cách cẩn thận, bài bản. Hy vọng những chia sẻ của thầy sẽ giúp được các bố mẹ có những định hướng tốt hơn trong giai đoạn quan trọng này.

(thầy Trần Nhật Minh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *