Tổng hợp một số bài làm văn hay lớp 5 trong kì thi học sinh giỏi lớp 5 dành cho học sinh lớp 5 tham khảo ý tưởng để làm ra những bài văn điểm cao.
Đề bài: “Em hãy tả quang cảnh buổi lễ chào cờ đầu tuần của trường em”.
Bài làm
Thế là đã đến thứ hai rồi! Em đến trường sớm hơn mọi ngày một chút, vì hôm nay tổ chức lễ chào cờ.
Trời hôm nay thật là đẹp! Những đám mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh ngắt. Tại sân trường, chúng em đã có mặt đông đủ. Oa! Mọi người ăn mặc thật là đẹp. Màu trắng của chiếc áo đồng phục, màu đen của những mái tóc, màu áo dài của các cô giáo và màu đỏ tươi của chiếc khăn đỏ luôn mang trên vai các bạn Đội viên. Tất cả hòa vào nhau trông như một khu vườn đầy hoa. Những chiếc ghế xanh, đỏ, tím, vàng xếp thành hàng như một chiếc tàu đang chạy. Trên khán đài, cô tổng phụ trách, thầy hiệu trưởng và cô hiệu phó đang thoăn thoắt chuẩn bị cho buổi lễ chào cờ. Các bạn đội trống mặc bộ quần áo trắng toát đang đánh trống thử: Tùng! Tùng! Tùng!. Tiếng trống kéo dài vang lên như thôi thúc chúng em vào xếp hàng. Khi cả trường đã ổn định, tiếng hô dõng dạc của cô tổng phụ trách từ loa vang lên: “Mời các thầy cô giáo và toàn thể các con học sinh đứng dậy làm lễ chào cờ”. “Nghiêm! Chào cờ… Chào!”. Những bàn tay búp măng của các bạn Đội viên giơ lên. Hàng nghìn con mắt hướng về lá Quốc kì. Sao mà im lặng thế, những tiếng chim hót líu lo, tiếng cười đùa như đã biến mất. Từ loa vang lên: “Quốc ca”. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu nước, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa….”. Bài hát như nhắc chúng em nhớ đến bao chiến sĩ dũng cảm đã ngã xuống cho Tổ quốc độc lập tự do. Quốc ca kết thúc, Đội ca vang lên: “Cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn thanh niên đi lên, cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ…”. Bài hát như muốn nhắc nhở chúng em phải cố gắng chăm chỉ học hành để xứng đáng làm cháu ngoan Bác Hồ kính yêu. Quốc ca và Đội ca kết thúc. Cô tổng phụ trách nói: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!”. Tiếng hô to đều của cả trường vang lên: “Sẵn sàng” như lay động cả một bầu không khí. Thầy Hiệu trưởng lên nhận xét thi đua và phổ biến công tác trong tuần cho khối bốn và năm. Thầy khen lớp em đạt nhiều thành tích trong đợt hai mươi tháng mười một. Buổi lễ kết thúc, chúng em lần lượt xếp hàng vào lớp.
Khi vào lớp, hình ảnh của lá cờ vẫn thấp thoáng đâu đây trong phòng học. Mái trường thân yêu với những lá cờ đầu tuần mãi mãi sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng em.
Nguyễn Thu Trang – 5E
Đề bài: “Em hãy tả quang cảnh buổi lễ chào cờ đầu tuần của trường em”.
Bài làm
Hôm nay, em thấy các bạn mặc quần áo rất đẹp và gọn gàng. Vẻ mặt ai cũng rạng rỡ. Thì ra trường em tổ chức lễ chào cờ đầu tuần.
Bây giờ đã là cuối mùa thu đầu mùa đông, tiết trời se se lạnh. Bầu trời trong vắt không một gợn mây đen. Những tia nắng hiếm hoi tìm cách chiếu xuống sân trường. Hàng cây xào xạt thổi. Gió thổi vi vu. Chim hót líu lo. Tạo ra bức tranh đầy màu sắc. Tốp các bạn nữ ngồi thành nhóm kể chuyện cười với nhau. Nhóm các bạn nam đùa nghịch, đọc báo thật thú vị. Tuy thế nhưng các bạn vẫn không quên chiếc khăn đỏ trên vai. Hôm nay, các thầy cô giáo cũng mặc đẹp hơn mọi ngày. Các cô giáo trong bộ áo dài thướt tha. Thầy giáo mặc bộ comple trông thật bảnh trai. Thầy cô chạy đi chạy lại trên cầu thang để chuẩn bị cho buổi lễ. Dưới sân trường đã tấp nập những hàng ghế xanh, nâu, đỏ. Đội trống trong bộ nghi lễ trắng, đầu đội mũ ca nô cũng đã sẵn sàng. Đúng 7 giờ 30 phút tiếng trống giòn giã báo hiệu buổi lễ chào cờ đã đến. Tượng Bác Hồ đã được mang ra. Như Bác Hồ cũng về dự lễ chào cờ với chúng em. Chúng em nhanh chân vào hàng. Hiệu lệnh Chào cờ! Chào! của cô tổng phụ trách vang lên. Mọi người đứng nghiêm trang đồng thời những búp măng non giơ lên. Tiếng trống Đội nổi lên. Lá cờ Tổ quốc dần dần được kéo lên đỉnh cột. Ai cũng ngước nhìn lá cờ, lòng họ lại rộ lên một cảm xúc khó tả như lá cờ đang nhắc nhở họ nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã đổ máu giành lại độc lập cho đất nước. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”. Đó chính là lời đầu của bài Quốc ca mà chúng em thường hát. Nó luôn bên em, nhắc nhở em phải học tập chăm chỉ để vun đắp cho Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. “Cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn thanh niên đi lên cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ”. Đó chính là bài Đội ca. Đội sẽ dìu dắt em trong học tập, kỉ luật và vui chơi theo năm điều Bác Hồ dạy. Nó sẽ giúp em khôn lớn, trưởng thành tiến bộ trong thời kì còn thơ dại. Cả trường im lặng nghe cô tổng phụ trách đọc lời tuyên thệ: “Vì xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!”. Cả trường đồng thanh hô: “Sẵn sàng” như xé tan bầu không khí im lặng. Bây giờ chim vẫn hót líu lo, gió vẫn thổi vi vu, hàng cây xanh rì rào. Cô tổng phụ trách đọc bảng thi đua. Khi nghe lớp mình xếp loại “Tốt”, em rất vui. Thầy hiệu trưởng dặn dò xong, chúng em lần lượt lên lớp.
Hình ảnh lá cờ, bài quốc ca, đội ca cùng với lời tuyên thệ mà em được nghe trong buổi lễ chào cờ sẽ là hành trang theo em suốt cuộc đời. Để em có thể giúp ích cho xã hội.
Nguyễn Thị Thu – 5G
Đề bài: Tả người bạn thân của em
Bài làm
Năm tháng cứ thế trôi đi, chỉ có thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm bạn bè. Trong suốt thời gian đó, có lẽ Diệp Anh là người bạn mà em yêu mến nhất, người bạn đã học với em từ suốt năm học lớp ba.
Dáng người Diệp Anh dong dỏng cao, khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn của bạn hễ ai nhìn đến cũng thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen. Mái tóc dài óng ả. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười để lộ hai hàm răng trắng bóng. Ở Diệp Anh khi nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến.
Diệp Anh rất hiếu động, không lúc nào yên nghỉ chân tay. Trong giờ ra chơi, chỗ nào sôi động nhất là ở đó có Diệp Anh. Chúng em thường tụ tập nhóm ba, nhóm bảy ngồi xung quanh bạn Diệp Anh để nghe bạn kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Diệp Anh vẫn thường hay kể: “ Cái hồi xưa ấy, đấy, cái hồi ấy, cái hồi mà bà tớ chưa sinh ra mẹ tớ ấy …”. Chỉ nghe có đến thế thôi là chúng em đã thấy buồn cười đến nỗi không thể nhịn được rồi mà cái mặt Diệp Anh vẫn cứ tỉnh như bơ. Đặc biệt, Diệp Anh có một trí nhớ rất tốt. Những câu truyện đã đọc hay đã nghe, Diệp Anh đều nhớ như in và kể lại bằng đúng giọng nhân vật nên rất cuốn hút và sinh động. Một mình Diệp Anh đóng đủ các vai, kết hợp với điệu bộ khôi hài khiến bọn em lăn lóc cười đến vỡ bụng.
Diệp Anh luôn luôn làm ra những trò chơi thú vị. Bạn thường hay chơi cùng với chúng em trò bịt mắt bắt dê hay bó khăn. Vừa chạy lại vừa kêu tiếng dê be be nghe rất ngộ nghĩnh. Diệp Anh thường biểu diễn tiếng hát, tiếng ngựa hí và con sóc nâu hay leo trèo. Mỗi tiết mục, Diệp Anh đều được hoan nghênh nhiệt liệt và gây ra những trận cười nứt nẻ.
Không chỉ là các bạn gái mà cả các bạn trai ngoài và trong lớp đều yêu mến bạn Diệp Anh. Nhưng thật không may, hai tuần trước đây, một tai nạn giao thông đã cướp đi tính mạng của người bạn mà chúng em yêu quý. Dù biết bạn đã khuất nhưng chúng em vẫn cứ coi như bạn vẫn sống và làm việc cùng chúng em, bây giờ bạn đang thi đỗ vào trường Amsterdam và đi du học rồi. Cô giáo vẫn gọi bạn đứng lên đọc bài và vẫn cứ lấy cơm, lấy gối cho bạn ăn học.
Rồi mai đây phải xa mái trường thân yêu, em cũng sẽ mang theo nhiều kỷ niệm cùng với những yêu mến của cả lớp với bạn Diệp Anh.
Nguyễn Tuyết Nhi – 5G
Bài làm
Năm tháng rồi cũng qua đi, chỉ có thời gian là thước đo tình cảm của con người. Bây giờ tuy đã học lớp 5 – lớp cuối cấp của trường tiểu học, sắp sửa phải tạm biệt mái trường, thầy cô, bạn bè để tiếp bước vào bậc trung học . Nhưng quãng thời gian là năm năm học ở trường, em không sao quên được những kỷ niệm về cô giáo đã dạy em những năm đầu chập chững cắp sách tới trường.
Cô có cái tên rất hay và em cũng rất thích đó là Kim Oanh. Cô là người mẹ hiền dịu nhất trong những ngay fem còn học lớp 1. Với dáng người đậm đà, mái tóc xoăn xoăn màu hạt dẻ thì ai cũng nói nhìn cô trông rất xinh. Cô thường mặc những bộ quần áo lịch sự, phù hợp với dáng người của mình. Ngày đó, em cứ nghĩ cô giáo phải dễ sợ lắm. Nhưng không, cô đã làm tan biến những ý nghĩ vẩn vơ đó của em. Cô vẫn là cô giáo hiền lành, tốt bụng. Với khuôn mặt tròn, phúc hậu, hai gò má cao cao, lúc nào cũng ửng hồng. Mắt cô đen láy, long lanh với hàng lông mi cong vút. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là ánh mắt nhìn trìu mến, bao dung mà cô dành cho chúng em. Mỗi lần không học bài, chỉ cần nhìn vào đôi mắt buồn buồm của cô là bạn ấy hối hận ngay về việc làm của mình. Có lẽ, chính cô là người khơi dậy lòng hăng say học tập của chúng em. Ẩn dưới vầng trán cao cao thông minh ấy là đôi lông mày vòng nguyệt cân đối tạo cho khuôn mặt vẻ thanh tú.
Cô Oanh là một giáo viên hăng say trong công việc và hết lòng thương yêu học sinh. Tâm hồn cô là cả một khoảng trời chứa chan bao tình yêu cô dành cho chúng em: Nghe cô giảng bài thì thật là thú vị. Cô giảng rất dễ hiểu, dễ nghe nên chúng em luôn tiếp thu được bài. Vào những giờ ra chơi, cô luôn ngồi lại để viết mẫu và chấm bài cho chúng em. Có những hôm cô còn trao đổi cách giảng bài với bạn bè đồng nghiệp. Nếu bạn nào đọc chưa tốt hay viết chưa đúng thì cô luôn sẵn sàng giúp đỡ. Khi cô đã giảng cho bạn nào thì bạn ấy hiểu ngay. Vào những giờ sinh hoạt lớp, cô luôn nhận xét cho từng bạn và nói cho các bạn cách sửa lỗi sai đó. Có hôm cô nhận xét rất tốt về lớp em và em rất nhớ câu: “Tuần qua, các con đã rất cố gắng để nhận cờ Đội. Cô rất vui vì không những các con được nhận cờ tốt mà còn nhận cờ xuất sắc. Cô mong tuần nào các con cũng như vậy”. Và khi đó, lớp em vỗ tay rào rào. Giờ đây khi đã lên lớp năm, mỗi khi có việc cần đi qua lớp cô, cô lại goi em lại hỏi han. Khi đó, em lại nhớ những giây phút khi còn học lớp 1, được cô yêu thương dạy dỗ. Trong em vang lên lời bài hát: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương…”.
Vâng! Đúng vậy em sẽ không bao giờ quên cô – người mẹ đã đưa em đón những tia nắng đầu tiên của cuộc đời.
Đề bài: Tả một cơn mưa
Bài làm
Ông mặt trời tỏa nắng chói chang, làm không khí thật oi ả. Bỗng nhiên mây đen kéo đến, trời nổi giông làm cho lá rụng lả tả, bụi bay mù mịt.
Những đám mây lớn, nặng bao phủ cả bầu trời.Cơn gió lành lạnh thổi qua mang theo vài hạt mưa.Mưa mau dần, lẹt đẹt, xiên xẹo theo gió, hạt mưa rào rào bắn xuống lòng đường trắng xóa. Nước chảy lênh láng, chỉ ít phút đường bây giờ đã toàn là nước. Cành cây nghiêng ngả theo gió, cành to thì sà vào dây điện. Mọi người kéo nhau dạt vào hai bên đường người thì trú lại, người thì mặc áo mưa đi tiếp.Trên vỉa hè mỗi lúc một đông. Mọi người xúm xít vào với nhau để cho người khác trú.Con đường vẫn có những chiếc xe máy đi qua chắc là họ có bận việc gì thế mới không kịp dừng xe để mặc áo mưa. Mưa mỗi lúc một to, những hạt mưa nhảy nhót trên mái nhà lộp độp, lộp độp. Tia chớp lóe sáng loằng ngoằng trên bầu trời xám xịt. Tiếng sấm rèn vang khiến cho những em bé nép mình vào người mẹ. Trong nhà bỗng tối sầm lại, một cái mùi xa lạ đến khó tả. Con mèo nằm co ro trên giường, thỉnh thoảng meo meo nhìn trời mưa như sợ hãi. Mưa đến đột ngột và tạnh cũng bất ngờ. Mưa đang ào ạt, thưa dần rồi tạnh hẳn.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Mặt trời ló ra những tia nắng ấm áp, nhè nhẹ xiên xuống mặt đường. Cỏ cây được tắm gội sạch sẽ. Những chiếc lá sạch bóng, xanh mát như ai vừa chùi. Chim chóc từ đâu bay ra lại hót líu lo. Mọi người ồ ạt xuống lòng đường. Mưa đem lại nước và cái mát dịu cho cây cối, con vật và mọi người để xua đi cái nắng nóng oi ả.
Bài dự thi “Bức thư từ tương lai”
Xin chào các bạn! Tôi là Đỗ Thái Đức. Người từ tương lai xa xôi đang viết bức thư này. Chắc các bạn không biết tôi nhưng tôi lại biết rất rõ các bạn. Các bạn biết không? Trên Trái đất có rất nhiều người tốt, nhưng trong đó vẫn còn những kẻ xấu. Những kẻ xấu này có rất nhiều loại: kẻ xấu chuyên ăn cắp tiền, kẻ xấu chuyên môn giết người,… Có rất, rất nhiều kẻ xấu. Nhưng trong đó, có kẻ xấu phá hoại môi trường là khủng khiếp nhất! Họ phá hoại môi trường bằng cách: xả rác ra những nơi công cộng, đánh bắt cá bằng mìn, thử nghiệm bom nguyên tử trên mặt đất, mặt biển,…
Có hàng trăm, hàng nghìn hành động phá hoại môi trường. Nhưng quan trọng nhất là Trái Đất đang nóng lên do xe cộ và các nhà máy thải ra quá nhiều khí các- bô- níc. Những khí các- bô- níc đó đã xuyên thủng tầng ô- zôn khiến cho trái đất nóng lên. Vì những điều đó đã làm thay đổi thế hệ tương lai của mọi người . Nhưng mà không chỉ do Trái đất nóng lên mà còn do con người khai thác bừa bãi khiến cho trái đất bị những thảm hoạ như: cháy rừng, sóng thần, động đất, lũ lụt, hạn hán,… Và còn làm cho nhiều loài thú bị tuyệt chủng như: khỉ lông trắng, hạc chân đỏ,… Vì thế, tôi mong các bạn hãy nghĩ đến tương lai và nghĩ đến cả chúng mình để bảo vệ trái đất tươi đẹp này.
Tôi xin cảm ơn mọi người.
Hà Nội, ngày… tháng… năm…
Người của tương lai.
Đỗ Thái Đức
Bài dự thi “Bức thư từ tương lai”
Hà Nội, ngày…tháng…năm…
Thân gửi các bạn ở thế hệ hiện tại!
Đất nước của các bạn có những điều thật tốt đẹp song vẫn còn những điều xấu ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của loài người trong tương lai. Chúng tôi – những người ở thế hệ tương lai rất mong các bạn quan tâm đến hạnh phúc của chúng tôi.
Sóng thần, bão, lũ lụt,… đó là những tác hại do thiên nhiên gây ra cho con người cũng gây hại. Những nhà máy thải khói làm thủng tầng ozon, những bệnh viện thải rác thải y tế xuống sông, hồ làm con người ở thôn quê ăn phải rồi bị bệnh ung thư. Tình trạng dân số quá tải làm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm, thiếu đất làm nhà để con người phải phá rừng và quan trọng nhất là tệ nạn xã hội ra tăng. Hạnh phúc của chúng tôi nằm trong tầm tay các bạn. Chúng tôi biết các bạn không làm chúng tôi thất vọng.
Hãy làm thật tốt nhé !
Người ở thế giới tương lai
Kí tên
Đề bài: Em hãy kể lại một câu chuyện mà em (hoặc bạn em) đã trải qua có nội dung như câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”
Bài làm
Ông cha ta có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu nói đó quả thật ý nghĩa khi em đã trải qua những khó khăn trong học tập về môn tập làm văn.
Hồi ấy, tập làm văn là một môn khó với em trong học kì lớp Bốn. Những khi cô trả bài, em thường thất vọng với bài điểm kém trên tay. Để nghĩ ra những lời văn hay, phù hợp với đề bài, em đã phải suy nghĩ rất nhiều nhưng những lời văn vẫn không thể trôi chảy. Vì vậy, em đã quyết tâm ôn tập để học môn văn tốt hơn. Các bạn đều rất ủng hộ ý kiến của em. ánh sáng đam mê học tập như đang chiếu rọi vào tinh thần em. Buổi tối, khi đã xong bài, em tranh thủ đọc thêm các sách văn, tham khảo một số bài văn mẫu, đôi khi còn làm thêm cả đề văn. Bố mẹ thấy vậy đều ủng hộ em nhưng đồng thời vẫn nhắc nhở em phải giữ gìn sức khoẻ. Em vui vẻ vâng lời. Được một vài ngày, bài tập ở lớp trở nên nhiều hơn nên thời gian để ôn tập ít dần đi. Vậy là việc ôn tập phải tạm ngưng mà các bài văn của em vẫn khá lên. Cuối cùng, em cũng đã nghĩ ra cách để giảm bớt được số lượng bài. Vào những ngày nghỉ, em sẽ làm hết những ngày nghỉ, em sẽ làm hết những bài cô giao để những ngày khác trong tuần em có thời gian ôn tập. Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát cũng sắp đến ngày thi học kỳ và những bài văn của em đã có những tiến bộ vượt bậc. Từ điểm bảy, tám giờ đây đã lên điểm chín. Thầy cô và các bạn đều rất mừng cho sự tiến bộ này của em. Ông mặt trời như đang cười với em, những làn mây như đang nhảy nhót trên bầu trời xanh, lúc này mọi thứ đều trở nên đặc biệt trước mắt em. Cha mẹ và thầy cô đều rất vui lòng.
Qua câu chuyện đã trải qua, em càng hiểu rõ hơn về sự kỳ diệu của lòng kiên trì. Nếu ta chăm chỉ học tập thì sẽ đạt được điều mình mong muốn như câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Trịnh Kim Hoa – 5G
Một số bài làm văn hay lớp 5 (Thi Học Sinh Giỏi)
Đề bài: Em đã có dịp đến thăm một cảnh đẹp của địa phương em ở hoặc ở nơi khác. Em hãy thuật lại cuộc đi thăm đó.
Bài làm.
Nhân dịp sinh nhật chị em lần thứ mười bốn, mẹ đã cho chúng em đi chơi hồ Gươm. Một cảnh đẹp nổi tiếng.
Hôm nay bầu trời trong xanh in bóng xuống mặt hồ. Mấy chú chim thay nhau hót những bài ca đặc biệt. Chị gió thì thướt tha đi qua tạo cho ai cũng cảm thấy dễ chịu. Sau ba mươi phút bon bon trên đường bằng chiếc xe máy của bố, cả em, mẹ và chị em đều cảm nhận được hồ Gươm đã ngay trước mắt, Mẹ và chúng em dắt tay nhau đi dạo một vòng quanh hồ, đã lâu lắm rồi em mới tới đây. Là chủ nhật nên ở đây có rất nhiều khách du lịch tới tham quan và mỗi người lại có một cách nghĩ riêng về hồ Gươm. Còn trong con mắt trẻ thơ của em hồ Gươm như một chiếc gương khổng lồ của thành phố Hà Nội. Em đã từng được nghe câu chuyện bà kể về việc vua Lê Lợi trả gươm cho thần rùa Kim Quy. Mẹ con em chọn một chỗ rõ nhất để nhìn Tháp Rùa. Tháp Rùa cổ kính, uy nghi đứng trên gò đất xanh rì cỏ nổi giữa mặt hồ. Mẹ bảo rằng đã từng có người nhìn thấy cụ Rùa từng lên gò đất dó và cũng từ đấy mọi người coi Tháp Rùa là cung điện của thần Rùa Kim Quy. Mẹ còn bảo Tháp Rùa cũng chính là một nhân chững lịch sử nước ta. Nó đã chứng kiến nước ta bị xâm lược, đã chứng kiến nước ta giải phóng và bây giờ đang ttrên đà phát triển. Nó cũng là nơi đầu tiên cắm chiếc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nối hồ Gươm với đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm và cũng là chiếc cầu duy nhất sơn màu đỏ chon chót, bóng bẩy. Cuối đuôi con tôm đặc biệt này được bao phủ bằng chiếc cổng lá cây làm từ các cây cổ thụ mát rượi. Ngay trước cửa đền là hàng chữ đẹp của Nguyễn Siêu, thần đồng nổi tiếng Việt Nam. Sát bên trái cửa đền là ngọn Tháp bút cao sừng sững mà theo nhiều người hàng ngày vẫn viết những việc làm tốt của mọi người lên trời cao. Đi sát vào đền ta còn có thể chiêm ngưỡng cụ Rùa to hơn cả bàn cô giáo lớp em. Đối với những người già thì hồ Gươm không những chỉ đẹp mà còn vì là nơi có không khí trong lành bởi cây đa nghìn tuổi, những cô gái liễu rủ hàng ngày gội mớ tóc dài. Hồ Gươm càng tưng bừng hơn khi bạn đến vào ngày giáp Tết như thế này bởi những bồn hoa hàng ngày đã được xếp thành chữ đầy sắc màu. Khách du lịch còn có thể ăn kem tại nhà Thuỷ Tạ mà theo cách nói vui của chúng em đó chính là cung điện của vua Thuỷ Tề.
Chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện điểm báo sáu giờ, mẹ con em vội vã về nhà. Ngay trên đường về em đã nghĩ rằng hồ Gươm là cảnh vật quý mà ta cần giữ gìn cho muôn đời sau.
Nguyễn Liên Hương – 5G
Đề bài: Em đã có dịp đến thăm một cảnh đẹp của địa phương em ở hoặc ở nơi khác. Em hãy thuật lại cuộc đi thăm đó.
Bài làm.
Một năm học vất vả đã qua, và đến kì nghỉ hè này, gia đình tôi tổ chức đi chơi biển Đồ Sơn. Tôi vô cùng thích thú vì đây là nơi mà tôi chưa từng đặt chân đến.
Bốn rưỡi sáng, lơ mơ ngái ngủ, tôi đã bị bác đồng hồ chăm chỉ nhưng đôi khi hơi khó tính đánh thức
ngay cho bằng được. Tôi uể oải dụi mắt đi chầm chậm vào nhà tắm vệ sinh cá nhân. Cả nhà tôi đã thức dậy từ bao giờ, đang lục cục sắp lại đồ. Đánh răng rửa mặt xong, tôi thay quần áo rồi theo bố mẹ ra cửa. ở đó có một chiếc ô tô chễm chệ chờ đợi. Bố tôi xách va li, mở cốp xe rồi để vào đấy. Mẹ tôi, chị tôi, bố tôi và tôi cùng leo lên xe. Chiếc xe bon bon chạy luôn. Nhà cửa, cây cối như những thước phim quay nhanh cứ vùn vụt. Thích nhất là lúc qua cầu, được xem phim từ trên cao. Sau đó tôi ngủ lúc nào chẳng biết. Đánh một giấc dài dậy mà vẫn chưa tới nơi, tôi đâm sốt ruột. Nhưng… khoan, tôi nghe thấy tiếng nước àooo…oo, mùi mằn mặn mang đặc chất biển. thôi, đúng rồi, đúng là tới biển thật rồi! Tôi sung sướng lâng lâng. Nắng vàng nhè nhẹ vươn từ mặt trời đi khắp nơi. Tôi nhảy phốc xuống xe ngay khi đến khách sạn. Gia đình tôi bước vào tiền sảnh. Bố tôi lấy chìa khoá phòng rồi dẫn cả nhà lên tầng. Căn phòng thật rộng. tôi ra ban công phóng tầm mắt ngắm biển. Long lanh một màu nắng trên mặt nước. Người đi tắm chiu chít trên bờ. Những quán nước trên cát dựng từ cột, lợp lá thật thơ mộng. Tôi vào phòng nghỉ ngơi đã. Chiều tôi thức dậy gọi bố mẹ đi bơi. Băng qua con đường nhựa là đến bãi cát. Người đi tắm tấp nập. Có mấy người tắm xong, khoác khăn lên bờ, người ướt dượt. Có mấy người lại nằm dài tắm nắng. Còn dưới biển, đủ người già trẻ.. tắm táp, bơi lội. Có mấy bạn nhỏ cũng mặc áo phao như tôi, bố mẹ đang dạy bơi. Tôi ngâm mình xuống nước, mát lắm! bơi lội thoả thuê, tôi lên bờ xây lâu đài cát và cùng bố mẹ ngồi quán uống nước. Sau đó tôi về tắm sạch, mặc quần áo mới rồi xuống nhà ăn. Trời đã xẩm tối. Tôi ngồi vào bàn ăn. Nào là cua, nào là mực, nào là tôm… Cho ôi, bao nhiêu món đồ biển bày ra đây. Tôi ăn rất nhiều nhưng vẫn lên phòng trước mọi người. Tôi ngồi xem vô tuyến một lúc thì mẹ tôi lên gọi tôi ra biển chơi. Cả nhà tôi ra biển, thuê ghế nghỉ, nghe tiếng sóng vỗ ào ạt. Mặt trăng ở biển sao mà khác với thành phố thế, nó to, tròn và hơi đỏ như mặt trời. Sóng tung bọt lấp loáng một dải dọc vàng vàng. Tôi đang mơ màng thì bị chị tôi kéo đi. Ra khỏi bãi cát là đến mặt đường nhựa. Hai bên vỉa hè, hàng đồ lưu niệm mọc như nấm. Gia đình tôi đi dạo và mua luôn quà cho ông bà và hàng xóm. Đèn đường vàng vàng như làm tăng bầu không khí náo nhiệt ở đây. Người đi đường cũng có thể là khách du lịch, mua hàng trao đổi thật là sôi nổi. Mua xong gia đình tôi trở lại khách sạn, để ngày mai còn lên đường về thủ đô Hà Nội.
Chuyến đi đã kết thúc, nhưng những suy nghĩ của tôi về thành phố cảng này chưa dừng lại. cuộc vui chơi với biển này đã mở đầu cho một mùa hè xanh tươi trẻ. Tôi yêu thiên nhiên, nhất là biển cả bao la.
Đề bài: Đã lâu em chưa có dịp về thăm ông bà (hoặc chú, bác, cô, dì). Em hay viết thư thăm hỏi và cho biết tình hình đời sống của gia đình em.
Bài làm.
Hà Nội, ngày…. tháng ….năm …………
Bà yêu quý của cháu! Đã lâu cháu chưa có dịp về quê thăm ông bà nên cháu rất nhớ ông bà, cô chú và các em ở dưới đấy và cũng muốn hỏi thăm tình hình của mọi người .
Bà ơi! Chắc nét chữ của cháu chẳng thay đổi gì nhỉ? Dạo này, ông bà vẫn khoẻ chứ. Vì trời lạnh nên cháu đã xin bố mẹ mua cho ông bà mỗi người một bộ quần áo để mặc cho ấm. Độ này, ông bà có ăn được không? Ông bà còn ra đồng được không ạ? Nếu không ra đồng được hoặc ông bà thấy mệt thì phải viết thư gửi cho gia đình cháu để cháu xin bố mẹ mua cho ông bà thuốc nhé bà. Lúc nào ông bà có dịp là phải ra ngoài Hà Nội chơi để còn sinh nhật cháu bà ạ. Công việc của cô chú và việc học hành của các em chắc vẫn còn tốt. à! Vườn cây nhà mình chắc đã mọc nhiều quả rồi chứ bà. Cháu nhớ năm trước, quả khế bà cho cháu ăn khi đi đường về nhà ngọt lịm, tuyệt lắm bà ạ. Bà phải gửi lời hỏi thăm của cháu cho các ông bà trong làng nhé bà. Còn bây giờ, cháu sẽ kể về cuộc sống hàng ngày của gia đình cháu để bà khỏi lo nhé. ở ngoài này, bố mẹ cháu vẫn khoẻ. Cuộc sống của cả nhà cũng ổn định. Đồng thời, cháu báo cho bà một tin vui, học kỳ vừa qua cháu đã được học sinh xuất sắc đấy bà ạ. Vì năm nay là năm cuối cấp rồi nên cháu không thể lơ là việc học hành được. Nhưng mà bà ơi, ông cháu vừa mất, cháu rất buồn bà ạ. Không có ông trong nhà, cháu cảm thấy nhà như bị thiếu sự vui vẻ. Tết năm nay, không có ông, cháu rất buồn nhưng bù lại cháu cúng được bố mẹ cho đi chơi nhiều nơi thích lắm bà ạ.
Thôi! Thư đã dài rồi, cháu xin được dừng bút. Cháu chúc ông bà, cô chú và các em luôn luôn mạnh khoẻ và vui vẻ, đón một cái tết thật vui. Cháu hứa sẽ học thật giỏi và nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Cháu yêu của bà
Khánh Huyền – 5E
Một số bài làm văn hay lớp 5 (Thi Học Sinh Giỏi )
Đề bài: Tường thuật lại những việc em đã làm trong ngày chủ nhật vừa qua.
Bài làm.
Hà Nội – trái tim của cả nước. Ai đã một lần đến nơi đây mà không đi du ngoạn cảnh đẹp thanh bình, yên ả của Hồ Gươm thì quả là phí phạm. Hôm nay, bố mẹ quyết định cho tôi đi chơi Hồ Gươm, lòng tôi chợt rộn một niềm vui khó tả..
Bây giờ tôi đang có mặt phố Hàng Khay. Từ đây tôi thấy những hàng liễu xanh xanh rủ xuống mặt hồ. Cây liễu như người con gái có mái tóc dài óng ả, bồng bềnh như dải mây lững lờ trôi trên bầu trời. Những mái tóc ấy rủ xuống mặt hồ và thi thỏang một vài cơn gió lướt qua làm cho mái tóc đu đưa nhẹ nhàng, mặt nước cũng nhờ vậy mà thích thú cử động. Tôi bắt đầu chậm chậm bước đi trên con đường lát gạch vòng quanh hồ. Bố tôi đang chụp những bức ảnh về Tháp Rùa. Tháp rùa cổ kính, uy nghi nằm giữa hồ, nơi mà vua Lê đã trả lại gươm báu cho Thần Rùa. Đường phố như dài thêm ra dưới hai vòm lá của những hàng cây ven đường. Đây rồi cây lộc vừng cổ thục trăm tuổi với những cái cục nổi lên như bướu lạc đà, với thân hình như một người lực sĩ khổng lồ đang dang tay ra che lấp một vùng hồ. Tiếp nối sau đó là những cây đa, cây xi cũng to không kém, cũng mọc bao nhiêu là cái rễ bụ bẫm, chắc nịch, uốn éo trên mặt đất. Chẳng mấy chốc Tháp Bút đã xuất hiện.
Nhắc đến Tháp Bút, tôi lại nhớ tời bài thơ của Trần Đăng Khoa:
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ có Tháp Bút
Viết thơ lên trơì cao.
Đúng thật, nước hồ xanh trong như pha mực, chữ mực chỉ dành riêng cho Tháp Bút cao to sừng sững kia viết những vần thơ bay bướm lên trời cao. Ngay cạnh đó là cầu Thê Húc. Cầu cong như con tôm mà không phải tôm thường đâu, con tôm này to lắm, đã thế lại được kết nối nhiều đèn trông rất đẹp mắt. Đi qua cầu là tới đền Ngọc Sơn. Đền nằm trên một hòn đảo nhỏ. Gian trước là điện thờ với hương khói nghi ngút. Phía sau là phòng trưng bày các đồ vật. Trong lồng kính, một cụ rùa đang nằm trong đó, trông cụ có cái mai rất to và đẹp. ở đây bán rất nhiều đố lưu niệm đẹp. Mang một phong cách rất Việt Nam. Bây giờ đã là năm giờ, cả gia đình tôi phải về nhà chuẩn bị cơm nước. Khi ra về lòng tôi vẫn rạo rực niềm vui sướng và hãnh diện.
Tôi rất thích những buổi đi chơi như thế này, vì nó làm đầu óc tôi thư giãn và hiểu về đất nước Việt Nam chúng ta.
Dương Khánh Huyền – 5E
Đề bài: Hãy kể lại một việc làm tốt đẹp thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng (có thể đối chiếu với những việc làm sai trái xảy ra nơi đó, lúc đó).
Bài làm.
Cái sự nắng nóng cực độ của mùa hè cứ thi nhau chen lấn xô đẩy xuống mặt đường. Ông mặt trời luôn tay ném ánh nắng xuống đất. Nóng bức đã tồi tệ nay lại thêm phần khắc nghiệt hơn vì những tiếng còi inh tai nhức óc của xe cộ trên đường. Không thể chịu được nữa em đã cố vào chiếc xe buýt số 28 kia để về nhà. Ở đó, đa có một câu chuyện hết sức thú vị xảy ra.
Chiếc xe đã mau chóng rời khỏi bến. Trên xe chật ních người và chỉ có những người may mắn lắm mới tìm được ghế ngồi. Chẳng ai thèm nói một câu nào cả vì học đã quá mệt mỏi rồi. Bồng từ phía dưới có một bà cụ cất tiếng nói với anh trai trẻ:
“Anh này! Tôi già yếu lắm rồi không đứng được nữa. Anh có cái chỗ cho tôi ngồi nhờ”.
Bà cũng khoảng 80 tuổi. Mái tóc bạc phơ và vài sợi lấm tấm mồ hôi. Những nếp nhăn bây giờ càng hằng rõ hơn trên khuôn mặt đã trải nhiều sương gió. Anh thanh niên dáng chừng không thích và bảo:
“Dại gì mà nhường ghế cho bà, đã già rồi còn lởn vởn ở đây, về nhà mà chăm con cháu đi”.
Câu nói của anh ta như chiếc búa giáng vào tai mọi người. Ai cũng quay xuống nhìn bà cụ một cách ái ngại, tồi nhìn anh thanh niên như để trách móc. Bà cụ chưa khỏi bàng hoàng trước lời nói đó thì đã có một cô bé dìu bà cụ về chỗ. Cô bé thật phúc hậu với hai mắt sáng ngời nhìn bà cụ rồi nói.
“Bà mệt thì cứ ngồi đây cho lại sức, cháu đứng cũng không mỏi”.
Bà cụ vừa vui mừng, vừa xúc động rồi rối rít cảm ơn cô bé. Chính cô bé đã làm cho mọi người thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Anh thanh nhiên kia cúi mặt xuống vì anh biết rằng mình đã không bằng một em nhỏ bé bỏng.
Chiếc xe đã dừng lại ở bến. Ôi! Bây giờ em mới thấy mỏi chân vì bị đứng nhiều đây. Nhưng em vẫn vui vẻ vì biết rằng trên đời này còn rất nhiều người tốt bụng.
Thanh Vân – 5G
Đề bài: Em đã có dịp đi thăm một cảnh đẹp ở địa phương hoặc một nơi khác. Em hãy thuật lại buổi đi thăm đó.
Bài làm
Nhân dịp năm mới, trường em tổ chức cho khối bốn và năm đến thăm đền Đô và Cổ Loa ở Bắc Ninh. Mọi người reo hò ầm ĩ khắp cả sân trường. Tối hôm trước ngày đi, em cứ thao thức mãi. Tuy đã chuẩn bị rất kĩ quần áo và đồ ăn trưa ngày mai nhưng chỉ sợ lỡ buổi đi thăm quan thì tiếc quá!
Sáng hôm sau, em dậy thật sớm, đánh răng rửa mặt rồi đến trường. Dọc vỉa hè cạnh trường em những chiếc xe màu xanh, vàng đỗ san sát nhau. Cứ tưởng em đi thế là sớm vậy mà các bạn đã đến đông đủ, chỉ còn thiếu vài bạn nữa. Cái lạnh mùa đông dần dần lấn át sự ấm áp của mùa xuân, ông mặt trời cố đưa những tia nắng xuống mặt đất. Thế mà những đám mây xám xịt đáng ghét kia che hết cả ánh sáng mặt trời. Sáng nay trời mưa phùn, những giọt nước trong suốt luồn lỏi xuống cành cây, kẽ lá. Đến giờ xuất phát, tất cả học sinh đứng tập trung chật kín cả sân trường. Cô Hằng nói:
– Học sinh.
– Trật tự_ Chúng em đồng thanh đáp.
– Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu những câu chuyện của người thời xưa và thăm đền Đô, Cổ Loa… Bây giờ, lớp nào lên xe lớp ấy, tiến về Cổ Loa.
Xe chúng tôi lăn bánh đến Cổ Loa. Mưa cũng đã ngớt, ánh nắng chiếu vào cửa xe. Thời tiết bây giờ đã chiều lòng chúng em nhưng khổ nỗi em vẫn chưa tìm được chỗ ngồi cho mình. Thôi đành ngồi ghế nhựa vậy. Chán ơi là chán! Con đường từ Hà Nội đến Bắc Ninh xa quá, mãi chưa đến nơi. Bỗng…
– Loa…loa…loa. Mời bà con chú ý, sau đây sẽ là chương trình thi thố tài năng giữa các bạn gái và bạn trai lớp 4G…
– Thế chủ đề là gì? Bạn Anh ngắt lời.
– Đó là hát trong đó có tên một loại động vật.
Trò chơi diễn rất sôi nổi. Ồ mới thế mà đã đến Cổ Loa rồi. Chúng em xuống xe đi bộ một đoạn. Không khi trong lành của vùng quê Bắc Ninh thật là dễ chịu. Ở Cổ Loa, được tận mắt thấy giếng Ngọc. Nó khác xa những gì em tưởng tượng. Đẹp tuyệt! Thật đúng là: “trăm nghe không bằng một thấy”. Sau đó, em nghe và biết thêm về vua An Dương Vương và mối tình Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Lúc về, em mua một con rùa màu nâu đỏ làm kỉ niệm. Trên đường đến đền Đô, chúng em lại tiếp tục cuộc thi. Ngồi ở đây thật vui, thế mà lúc đầu em cứ kêu chán… Đền Đô đẹp quá, rộng quá! Cô Hằng ra hiệu cho chúng em ngồi xuống để nghe về cái gì đó? Em không rõ mà chỉchú ý đến vẻ đẹp tranh nghiêm, cổ kính nơi đây. Thứ mà em chú ý là một bát lư hương bằng đồng đen. Đến buổi trưa, chúng em được hoạt động ngoại khoá. Ăn xong, em nghỉ ngơi một lúc. Buổi chiều, cô Hằng tổ chức những trò chơi vui khoẻ và bổ ích. Giờ hoạt động ngoại khoá kết thúc, chúng em lên xe trở về Hà Nội.
Hình ảnh chuyến đi thăm quan năm lớp bốn như một đoạn phim hiện rõ mồn một trong tâm trí em. Đó là chuyến thăm quan thú vị nhất mà em được đi.
Hà Vũ Mĩ Linh – 5G
Đề bài: Em đã có dịp đi thăm một cảnh đẹp ở địa phương hoặc một nơi khác. Em hãy thuật lại buổi đi thăm đó.
Bài làm
Năm nay, nhân dịp tết đến xuân sang, bố mẹ đưa hai chị em tôi đi thăm quan hồ Gươm, vừa là một di tích lịch sử, vừa là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Đúng bảy giờ, chiếc xe máy của gia đình tôi chạy bon bon trên con đường trải nhựa thẳng tắp. “Hình như ánh nắng ban mai của buổi sớm cùng những hàng cây xanh đang chào đón mình đến với cảnh đẹp nằm giữa lòng thủ đô thì phải?”_tôi thầm nghĩ. Bỗng: “Kịch”. Cuối cùng thì chúng tôi đã đến nơi. Bố tôi thì đi gửi xe ngay còn mẹ và hai anh em tôi ngồi chờ ở ghế đá. Nhìn từ đây, nước hồ Gươm xanh trong, tưởng như đây là một chiếc gương khổng lồ, phản chiếu những thứ đẹp đẽ nhất của non nước Việt Nam ta. Xa xa kia là Tháp Rùa rêu phong, cổ kính, nổi trên một thảm cỏ xanh mơn mởn. Có lẽ đây là ngôi nhà của rùa thần trong câu chuyện kể về Lê Lợi, vị đại tướng tài ba đã đánh thắng quân Minh để giải phóng đất nước. Đi đến đâu, tôi đều thấy cây cối xung quanh hồ rất xanh tươi. Cứ khoảng ba trăm mét thì lại thấy những đoá hoa sặc sỡ kết thành các hàng chữ rất đẹp làm cho đường phố xung quanh hồ thật rực rỡ. Bống nhiên, tôi vấp phải một hòn đá và .. Ồ, Tháp Bút đồ sộ hiện ra trước mặt. Trên Tháp khắc ba chữ Tả Thanh Thiên có nghĩ là viết lên trời. Ý nêu lên sự học tập chăm chỉ, cần cù của học sinh thời bấy giò cũng như thời nay. Gia đình tôi đã bắt đầu đặt chân lên cầu Thê Húc. Cây cầu màu đỏ son, cong cong như con tôm, dẫn vào hòn đảo Ngọc có đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló sau gốc đa già. Trong đền, mùi khói nhang thoang thoảng cộng với vẻ mặt trang nghiêm của mọi người làm ngôi đền uy nghi đến kì lạ. Sau đó, gia đình tôi đến nhà hàng Thuỷ Tạ ăn kem. Nhà hàng này nguy nga, tráng lệ nổi lên mặt nước như một khu phố nổi. Vào buổi tối, nhà hàng được trang hoàng thêm bởi hàng chục bóng đèn làm cho nhà hàng đã nguy nga nay càng nguy nga hơn, đã tráng lệ nay càng tráng lệ hơn, như một cung điện của vua Thuỷ Tề. “Bong, bong, bong”_ chuông đồng hồ của nhà bưu điện thanh phố vang lên, điểm mười giờ. Gia đình tôi lại lên chiếc xe máy quen thuộc ra về.
Hồ Gươm quả không hổ danh là một cảnh đẹp của đất nước. Qua cuộc đi thăm quan này, tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích. Tạm biệt hồ Gươm nhé,hẹn ngày gặp lại.
Cao Kim Cúc_Lớp 5D.
————————————————————
Trong truyện Tấm Cám, Tấm là cô gái vừa đẹp người vừa đẹp nết.
Cô Tấm có dáng người thon thả, đôi bàn tay búp măng và đôi chân nhỏ xinh xinh. Khuôn mặt trái xoan trong sáng và hiền hậu. Đôi lông mày lá liễu, cùng đôi mắt bồ câu . Mái tóc đen óng ả lại mềm mại như những sợi tơ buông xõa đến quá vai. Mũi không cao nhưng hợp với khuôn mặt. Hàm răng trắng như mây lại được điểm bằng một chiếc răng khểnh, mỗi lần cô cười rất duyên dáng. Đôi má bầu bầu, với làn da trắng hồng. Trông cô đẹp như nàng tiên, khi cô mặc quần áo, lấy từ mấy lọ xương cá Bống chôn dưới chân giường để đi trẩy hội.
Lúc nghèo khổ, cũng như lúc là vợ vua. Cô Tấm luôn giữ bản chất cần cù, chịu thương chịu khó của người lao động. Trong cung cô vẫn giặt quần áo cho vua. Khi về giỗ mẹ, Tấm vẫn leo lên cây cau hái quả để cúng. Bị mẹ con Cám hại chết, nhưng con người hiền lành, hiếu nghĩa đôn hậu ấy đã đấu tranh quyết liệt và sau cùng đã được trở về bên vua.
Cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền, chân chất dịu thương , chịu khó. Cô bền bỉ dành lại hạnh phúc. Cô Tấm đẹp người đẹp nết ấy là hình ảnh cho người dân Việt Nam của chúng ta.
Đỗ Hương Trà_Lớp 5D.
—————————————————–
Khách nước ngoài đến thăm Việt Nam đều rất yêu quí đất nước nhỏ bé này. Vì không chỉ có những trang lịch sử oai hùng mà còn có những tục lệ rất hay và thú vị. Tôi biết có một câu chuyện cảm động liên quan đến tục lệ đó. Sau đây tôi xin kể cho các bạn nghe. Câu chuyện mang tên: Lời ước dưới trăng.
Quê tôi có một tục lệ rất đáng yêu đó là vào rằm tháng giêng âm lịch, các cô gái 15 tuổi sẽ đến hồ Hàm Nguyệt vốc nước ở đó rửa mặt rồi nói lên điều ước của mình. Người xưa truyền lại rằng những điều ước trong đêm rằm sẽ thành hiện thực. Năm đó, chị gái tôi cũng vừa tròn 15 tuổi, hiện đang học ở Hà Nội. Trước rằm tháng giêng vài ngày, bà tôi đã cho gọi chị về để hưởng tục lệ linh thiêng này. Đúng vào hôm rằm, chị tôi cùng các cô thôn nữ đến hồ Hàm Nguyệt, tò mò tôi đi theo thì gặp chị Ngàn, một cô gái mù nhưng đẹp người đẹp nết. Chị lần từng bước một, tay quơ hai bên tìm đường. Biết chị đến hồ, tôi đến bên dẫn chị đi. Trên đường đi, tôi hỏi chị: Chị Ngàn ơi! Lát nữa chị định ước điều gì? Chị Ngàn không trả lời tôi. Chị trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó. Tôi đoán chắc chị cũng sẽ như bao cô gái khác, mong muốn có một gia đình hạnh phúc vì chị đáng được như vậy. Ánh trăng dịu mát tỏa xuống trần gian. Làm cho mặt nước nhuốm vàng lung linh huyền ảo. Chị Ngàn quỳ xuống bên mặt nước, hai lòng bàn tay nhẹ nhàng vốc nước lên rửa mặt rồi chắp hai tay trước mặt thổn thức nói trong xúc động:
Con …con ước gì….mẹ chị Yên sẽ khỏi bệnh.
Nói xong chị đứng dậy, gương mặt nhẹ nhõm, mãn nguyện. Tôi ngỡ ngàng hỏi chị: Cả đời chị chỉ được ước một lần, sao chị lại dành điều ước ấy cho người khác?
Chị Ngàn nắm chặt lấy tay tôi, nói: Nhà chị Yên thuộc diện nghèo nhất làng. Năm ngoái, chị ấy cũng vừa tròn 15 tuổi. Nhưng đên rằm, vì phải thức trông mẹ ốm nên chị ấy không được đến hồ Hàm Nguyệt, khi ánh trăng lặn xuống thì cũng là lúc chị âý biết cơ hội nói lên điều ước của mình đã mất. Chị ấy đã khóc rất nhiều. Chị rất thương chị Yên và bác gái, mong rằng chị Yên sẽ có cuộc sống an lành.
Nghe những điều chị Ngàn nói, tôi xúc động không nói nên lời. Một người có trái tim nhân hậu như chị Ngàn lại phải chịu số phận đáng thương thế này sao? Tôi ước gì sẽ có một người nào đó chữa khỏi mù cho chị Ngàn để giống như bao cô gái khác, chị cũng có một cuộc sống hạnh phúc.
Nguyễn Quốc Huy_Lớp 5D.
——————————————————————–
Đang ngồi chơi vi tính, bỗng em thấy tiếng giới thiệu trên ti vi, thưa quý vị và các bạn, mở đầu chương trình “ ngày hội bóng đá” hôm nay ca sĩ Trần Tiến sẽ biểu diễn bài hát “ trái bòng tròn”. Em vội bật dậy chạy ra xem, bài này em rất thích, lại vào đúng dịp AFF Cup mà!
Em chăm chú nhìn lên màn hình chú Trần Tiến cầm mi-cơ-rô bước ra sân khấu. chú mặc một chiếc áo véc màu xám và đeo cà vạt màu xanh da trời trông thật oai. Chú bắt đầu hát. Vẫn điệu nhạc, lời hát quen thuộc ấy vọng vào tai em. Giọng hát chú vang lên. “…Trái bóng bay lên, tôi không yên lòng …”hay quá ! Chú Tiến giả bộ ngó khung thành đứng trên sân khấu, rồi lấy chân sút mạnh, thật là buồn cười. Em vừa nghe vừa rung đùi hát theo. Bỗng chú hát cao lên, chạy xuống tận hàng ghế khán giả ồ…ố…ô …í…a…í…a…í…à…” Thật là vui nhộn, emvỗ tay đồm độp. Thỉnh thoảng, chú vuốt mái tóc đã điểm bạc, cười vui vẻ. Tay chú dang rộng ra, hát tiếp “…ồ…ố…ồ…í…à..í…à…ê…” chú không ngừng nhún nhảy, chú hát phải gọi là mê li luôn. Chú làm em tưởng như đang sống giữa đát nước Sin-ga-Po tươi đẹp, nơi đội tuyển Việt Nam thi đấu. Chú vừa hát xong, cả trường quay vang lên tiếng hét. “Việt Nam vô địch !”
Em cũng như mọi người, cũng mong đội tuyển Việt Nam dành được chức vô địch, “ giấc mơ vàng” mà chúng ta đã chờ đợi hơn 10 năm qua.
Nguyễn Phương Hạnh – 5G
Một số bài làm văn hay lớp 5 (Thi Học Sinh Giỏi )
Đề bài: Tả em bé.
Bài làm
Các cụ ta có câu “Ba tháng biết lấy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Cháu Tễu của em cũng đang tuổi tập đi tập nói.
Bé Tễu mới tròn một năm, trông Tễu thật là xinh và bụ bẫm. Mỗi khi Tễu cười thì nhô bốn cái răng trắng tinh. Những sợi tóc mềm mại như sợi tơ tằm được cắt tỉa gọn gàng. Đôi mắt Tễu tròn , đen lay láy ẩn dưới đôi lông mày hình trăng khuyết đen nhạt. Một hôm em sang chơi bé Tễu cười tít mắt đi đến chỗ em vẫy đôi tay lủn củn dễ thương. Tễu rất ngoan, ai bảo gì Tễu cũng nghe theo và làm đúng cái nấy, nếu có ai gọi thì Tễu lại d…ạ, ai bảo Tễu gọi bà thì Tễu gọi b…à…ơ…i ngọng líu ngọng lô. Tễu ngoan nhưng cũng có nhiều tật xấu, nào là cắn, làm nũng, ngửa cổ ăn vạ, lúc thì đòi đi chơi, lúc thì đòi bế nhưng không có ai bế Tễu cả, rồi Tễu khóc được một lúc lại ngừng và lấy đồ chơi ra “xếp xếp” “sắp sắp”. Bé Tễu rất thích đi, cứ thả xuống là cắm đầu cắm cổ chạy, ngã huỵch thì Tễu lại đứng dậy và đi tiếp. Tễu không bao giờ quậy phá linh tinh và không nghịch dại làm chết người.
Em rất quý bé Tễu vì bé luôn đem lại những tiếng cười sảng khoái về hành động, lời nói và Tễu không nghịch dại.
Đề bài: Em hãy viết thư thăm hỏi cô giáo cũ và nhắc lại một vài kỉ niệm về sự chăm sóc của cô giáo đối với em và các bạn.
Bài làm
Hà Nội ngày… tháng …..năm ….
Cô Bích kính mến! Đã lâu chưa có dịp gặp cô và sắp đến ngày 8 – 3, nhân dịp này con xin viết thư thăm hỏi tình hình đời sống hàng ngày của cô.
Dạo này cô có khoẻ không? Cô có còn bị khản giọng khi nhắc học sinh không? Bé Nghĩa đi học mẫu giáo rồi chứ ạ? Anh Thắng chắc là được học lớp chọn cô nhỉ? Bây giờ con vẫn học tốt. Nhớ lời cô dặn, gặp những bài tập khó con luôn kiên trì suy nghĩ để tìm ra cách giải. các bạn trong lớp lúc này vẫn rất nhớ cô, một số bạn đã chuyển sang lớp khác nhưng những hình ảnh thân thương về cô chắc chắn vẫn luôn in đậm trong tâm trí các bạn. Con vẫn còn nhớ hình ảnh quen thuộc của tập thể lớp 1C năm ấy. Nét mặt bỡ ngỡ của các bạn khi mới bước vào lớp, sự ân cần dạy dỗ chúng con của cô, tất cả như cùng hiện lên khi con viết bức thư này. buổi đi tham quan trong năm học đó con vẫn nhớ như in. Hôm đó có một bạn bị lạc, cô rất lo lắng. Một lúc sau cũng đã tìm thấy bạn đó, cô khiển trách bạn rất nhiều nhưng con hiểu điều đó chỉ để tốt cho bạn. Còn rất nhiều những kỉ niệm quen thuộc khác mà không sao kể hết được.
Thư đã dài, con xin ngừng bút. Chúc cô luôn mạnh khoẻ để dạy dỗ được các bạn học sinh. Con xin hứa sẽ học tập thật giỏi để không phụ công cô dạy dỗ.
Đề bài: Em hãy viết thư thăm hỏi cô giáo cũ và nhắc lại một vài kỉ niệm về sự chăm sóc của cô giáo đối với em và các bạn.
Bài làm
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 04
Cô Nhung kính mến! Nhân dịp 8/3, con viết thư này để gửi đến cô lời thăm hỏi và tỏ lòng biết ơn của con đối với cô.
Cô ơi! dạo này cô, gia đình có khoẻ không? Năm ngoái, lúc mẹ con đến thăm cô, mẹ con kể lại thấy bà trên nhà bị ốm, không biết bây giờ đã khoẻ chưa? Anh chị chắc đã lập gia đình cả rồi ạ? À! Cô ơi! Con nghe nói cô dạy lớp 4A năm nay. Vậy các em có ngoan không cô? Có hay làm cô buồn phiền không ạ? Con nghĩ các em rất ngoan và học giỏi vì có bàn tay yêu thương của cô nâng đỡ.
Con xin thông báo một tin để cô mừng: Con được chọn học bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi cấp Quận về môn Toán, Văn và Tiếng Anh. Con cũng lo lắm nên phải học thật kĩ vì thế ít có thời gian viết thư cho cô.
Chúng con rất nhớ cô, nhớ những bài giảng ân cần của cô, nhớ cả bàn tay cô nữa, bàn tay yêu thương. Con vẫn còn nhớ, lần con bị ốm cô đến tận nhà thăm và động viên con mau khoẻ lại còn mua bó hoa, trái cây cho con nữa. Nghĩ đến mà nhiều lúc con muốn khóc quá.
Con mong có dịp cô trò được nói chuyện và tâm sự với nhau. Con chúc cô mạnh khoẻ, công tác tốt và luôn cho chúng con những bài giảng thật hay và lí thú. Con xin hứa sẽ luôn học thật giỏi để không phụ lòng cô ạ.
Học sinh của cô!
Đề bài: Em hãy tả cảnh nhộn nhịp của sân trường em trong giờ ra chơi.
Bài làm
Cả lớp đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Ngoài sân trường chỉ nghe thấy tiếng gió vi vu thổi và tiếng chim hót líu lo. Khi cô giáo vừa kết thúc bài giảng, ba hồi trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên giòn giã. Chúng em đứng dậy chào cô rồi ùa ra khỏi lớp.
Sân trường vắng lặng là thế bỗng ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng dép guốc hòa với tiếng lá cây xào xạc. Từ trên cao nhìn xuống, sân trường nổi bật màu trắng của những chiếc áo đồng phục và màu đỏ của những chiếc khăn đỏ đang phấp phới bay trên vai các bạn Đội viên. Trên sân trường, các bạn tổ chức nhiều trò chơi rất vui, nào là kéo co, bắn bi, mèo đuổi chuột… Giữa sân trường, Hùng và Thắng chơi đá cầu thật hay. Hùng tâng cầu lên. Quả cầu xanh xoay tròn, bay vun vút, hạ xuống chân Thắng. Thắng đưa cầu lên rồi đá ngược trở lại phía Hùng. Quả cầu bay lên, hạ xuống như nhảy múa trên đôi chân khéo léo của hai bạn. Bỗng nhanh thoăn thoắt, Hùng đá mạnh quả cầu qua người Thắng làm Thắng không đỡ kịp. Hùng reo lên “Ha ha, thắng rồi”. Nhóm của Lan thật nhanh trí khi chọn chỗ bóng mát dưới cây đa để chơi nhảy dây. Qua từng vòng thi, dĩ nhiên đội trưởng Lan giành chiến thắng rồi. Lan nhảy thật nhanh và nhịp nhàng, đến nỗi chỉ thấy loáng thoáng sợi dây và tiếng vun vút. Bạn nào cũng nhìn Lan bằng con mắt thán phục. Dưới gốc cây phượng, mấy em lớp một kia xem mẩu chuyện gì vui lắm nên cùng cười rúc rích. ở một góc sân ttrường, trò mèo đuổi chuột thật sôi nổi. Chú chuột luồn qua cây cọ rồi lại nhảy qua đám bắn bi thật lành nghề, làm chú mèo khổ sở cứ chạy theo mãi mệt bở hơi tai. Mấy em xung quanh reo hò cổ vũ rồi lại nhảy cẫng cả lên. chưa phân được thắng bại thì bỗng “tùng, tùng, tùng”, trống báo hết giờ chơi đã điểm. Chúng em nhanh chóng xếp hàng tập thể dục rồi vào lớp. Khuôn mặt ai cũng vui vẻ, rạng rỡ, nhưng nhiều bạn tỏ vẻ luyến tiếc. Các bạn còn hẹn nhau: “Mai chơi tiếp nhé!”
Không khí yên tĩnh trở lại ttrên sân trường. Giờ ra chơi tuy ngắn nhưng nó thật bổ ích, luôn giúp chúng em thoải mái để vào học tốt hơn.
Nguyễn Thu Trang – 5E
Đề bài: Em hãy tả cảnh nhộn nhịp của sân trường em trong giờ ra chơi.
Bài làm
Bây giờ đã là cuối tiết hai, sân trường vẫn vắng lặng. Ngoài kia, những tia nắng ghé vào cửa lớp xem chúng em học bài. Chú chim sơn ca hót véo von. Tiếng gió thổi vi vu. Hàng cây xanh rì rào làm cho sân trường như một bức tranh đầy màu sắc rực rỡ. Bỗng tùng! tùng! tùng! Ba tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến. chúng em đứng dậy chào cô rồi ùa ra sân như đàn ong vỡ tổ.
Sân trường lúc trước im lặng là thế mà bỗng nghe nhộn nhịp hẳn lên. Các nhóm đã xác định được chỗ chơi của mình. Tốp các bạn nữ nhanh chân xí ngay một chỗ đá cầu dưới cây bàng. Các bạn nam cũng nhanh chân chộp ngay được chỗ mát để bắn bi. Dưới gốc cây đa làm gì mà vui thế nhỉ? à thì ra hai đội đang chơi kéo co. Lúc này sân trường được hòa trộn bởi màu trắng và đỏ. Màu trắng của những bộ đồng phục. Màu đỏ của chiếc khăn đỏ bay phấp phới. Các bạn nhảy dây thoăn thoắt chỉ nghe thấy tiếng vun vút chứ không nhìn thấy dây đâu. Năm bạn Hiền, Linh, Thảo, Hồng Anh và Phương là những bạn nhảy giỏi nhất lớp cùng đấu chọi với nhau. Cuối cùng chỉ còn mình Thảo nên ai cũng gọi bạn là “cựu nhảy dây trong lớp 5E” với thời gian là 30′ đã nhảy được 300 chiếc. Mấy người đứng xem tỏ vẻ khâm phục Thảo. Hai bạn bắn bi cũng rất quyết liệt. Tú cứ xoa xoa bàn tay xuống đất không kể sạch hay bẩn, rồi lại đưa lên miệng hà hơi như phù phép cho bi mình thắng. Bỗng cạch viên bi của Tú đập vào bi của Tùng thế là Tú được cộng một điểm. Mặt bạn tươi hẳn lên. Bạn Hùng đá cầu cũng rất tốt, trong phút chốc không chú ý suýt nữa Hùng đã làm rơi quả cầu. May quá! Hùng vội ngoặt chân ra đằng sau quả cầu như nhảy nhót trên chân bạn. Đến lượt Đạt dùng chiến thuật, nhưng vì chủ quan Đạt đã để lỡ một điểm. Cậu ta tức lắm nên muốn gỡ điểm ngay lập tức. Trò chơi kéo co là trò vui nhất của lớp em nên ai cũng tham gia. Trò chơi được chia làm hai đội Đội một do Thắng làm đội trưởng. Còn em làm trọng tài. Khi em vừa thổi còi thì các bạn đã thi nhau mà kéo. Bất chợt đội bạn Tiên hô một! hai! bai! kéo làm cho đội Thắng không kịp trở tay ngã chồng chất lên nhau. Các trò chơi đang tiếp diễn rất vui thì tiếng trồng giòn giã vang lên. Mặt ai cũng đỏ bừng bừng như thể hiện rõ sự hối tiếc. Có bạn còn hẹn buổi sau chơi tiếp.
Buổi ra chơi này tuy ít ỏi nhưng nó làm em sảng khoái hơn sau những tiết học căng thẳng. Nó cũng làm em không thể quên được những kỉ niệm đẹp đẽ dưới mái trường thân yêu này.
Nguyễn Vũ Nga – 5E
*Download file word Một số bài làm văn hay lớp 5 thi học sinh giỏi.docx bằng cách click vào nút Tải về dưới đây.