Đề cương ôn tập học kì 1 môn Địa lý lớp 9 file word

NỘI DUNG BÀI VIẾT

File word Đề cương ôn tập học kì 1 môn Địa lý lớp 9 gồm các câu hỏi lý thuyết có đáp án dành cho học sinh lớp 9 ôn tập chuẩn bị cho bài kiểm tra địa lý 9 HK1.

Nội dung Đề cương ôn tập HK1 môn Địa lý 9:

Câu 1: Trình bày đặc điểm các dân tộc và sự phân bố các dân tộc của nước ta?

Gợi ý:

– Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống gắn bó với nhau trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán… làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú và giàu bản sắc dân tộc.

– Dân tộc Kinh có số dân đông nhất chiếm khoảng 86,2% dân số cả nước. Có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh lúa nước, có nghề thủ công đạt mức độ tinh xảo và hoạt động nhiều trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật.

– Các dân tộc ít người chiếm khoảng 13,8% sinh sống chủ yếu ở vùng núi và trung du. Họ thường trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc và làm nghề thủ công.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng là một bộ phận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

– Sự phân bố của các dân tộc không đều nhau. Miền Bắc gồm người Tày, Nùng, Dao, Mông… Khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên có người Ê-đê, Gia-rai, Cơ-ho….Vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ có người Chăm, Khơ-me và người Hoa.

Câu 2: Cho biết số dân và tình hình gia tăng dân số ở nước ta hiện nay ? Ý nghĩa của việc giảm tỉ lệ gia tăng dân số ?

Gợi ý:

– Năm 2002 dân số nước ta là 79,7 triệu người, (hiện nay khoảng trên chín mươi triệu người). Sự gia tăng dân số ở nước ta diễn ra khá nhanh, hiện tượng bùng nổ dân số xảy ra vào nửa cuối của thế kỷ XX. Hiện nay tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên trung bình của cả nước là 1,43%, tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền trên cả nước, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi.

Nguyên nhân dấn số tăng nhanh là vì:

+ Nhu cầu đòi hỏi cần có nhiều lao động

+ Do số người trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỉ lệ cao

+ Do ý thức về kế hoạch hóa gia đình chưa tốt, nhất là các đồng bào dân tộc ít người

+ Do tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ muốn có con trai để nối dõi tông đường

Hậu quả: Dân số tăng nhanh dẫn đến dư thừa lao động, thiếu việc làm, đất chật người đông, môi trường ô nhiễm và kinh tế chậm phát triển, an ninh trật tự không đảm bảo

– Vì vậy, việc giảm tỉ lệ gia tăng dân số sẽ làm cô kinh tế phát triển ổn định tạo ra được nhiều cơ hội việc làm.

Câu 3: Trình bày mật độ dân số, sự phân bố dân cư nước ta và nêu đặc điểm của các loại hình dân cư?

Gợi ý:

– Năm 2003 mật độ dân số nước ta là 246 người/km2 cao gấp khoảng 5 lần mật độ dân số trung bình của thế giới. Sự phân bố dân cư không đồng đều, dân cư tập trung đông ở vùng đồng bằng ven biển, các thành thị và thưa thớt ở vùng nông thôn.

– Nước ta có 2 loại hình quần cư là:

+ Quần cư nông thôn: Dân sống tập trung thành các điểm dân cư, quy mô khác nhau như làng, xóm, thôn của người Kinh ở vùng đồng bằng và bản, buôn, phum, soc, play ở miền núi của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quần cư nông thôn thường tham gia vào các hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp.

+ Quần cư thành thị: Phổ biến là kiểu nhà ống san sát cao tầng và biệt thự. Dân cư thường tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hóa , khoa học và dịch vụ.

Câu 4: Nhận xét về nguồn lao động, sử dụng lao động, chất lượng cuộc sống và vấn đề việc làm ở nước ta hiện nay?

Gợi ý:

– Nguồn lao động ở nước ta dồi dào và tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng hơn 1 triệu lao động.

– Người lao động Việt Nam có kinh nghiệm trong sản xuất nông – lâm – ngư – công nghiệp, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh.

– Đại bộ phận lao động tập trung ở nông thôn 75,8%

– Phần lớn lao động chưa qua đào tạo 78,8%

Người lao động bị hạn chế về thể lực và trình độ chuyên môn.

Vấn đề sử dụng lao động:

– Việc sử dụng lao động ở nước ta đang thay đổi theo xu hướng tích cực, giảm số lượng lao động trong các ngành sản xuất  Nông, Lâm, Ngư nghiệp và tăng số lao động trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

– Chất lượng cuộc sống của người lao động đang ngày càng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt (về y tế văn hóa và giáo dục. Tuổi thọ người dân đang ngày càng nâng cao lên) Các loại dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Vấn đề việc làm:

-Trước tình hình nguồn lao động dồi dào và tăng nhanh, vấn đề việc làm còn gặp nhiều khó khăn . Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình ổn định dân số

– Xây dựng các nhà máy, xí nghiệp. Mở mang các trang trại để thu hút nguồn lao động, tạo việc làm. Tăng cường đào tạo nghề. Xuất khẩu lao động.

PHẦN ĐỊA LÝ KINH TẾ CHUNG

Câu 1. Trình bày thời gian, thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới ở nước ta?

Gợi ý:

Thời gian: Từ 1986 đến nay

Thành tựu: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

+ Cơ cấu ngành: Chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng ngành Nông – Lâm – Ngư – Nghiệp, tăng tỉ trọng ngành Công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhưng còn biến động.

+ Cơ cấu lãnh thổ: Hình thành vùng tập trung công nghiệp, vùng chuyên canh nông nghiệp, hình thành 7 vùng kinh tế và 3 vùng kinh tế trọng điểm.

+ Cơ cấu thành phần kinh tế: Từ nền kinh tế chủ yếu là khu vực nhà nước và tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần.

Câu 2: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

a, Trình bày sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở nước ta?

b, Nêu tên các vùng kinh tế ở nước ta theo thứ tự từ Bắc vào Nam?

Gợi ý :

a, Xem gợi ý câu 1

b, Nêu tên các vùng kinh tế ở nước ta theo thứ tự từ Bắc vào Nam : Trung du và miền núi Bắc Bộ, ĐB sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bam Bộ, ĐB sông Cửu Long. ( Quan sát Átlát địa lí trang 17 )

I. NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Câu 1: Phân tích những thuận lợi và khó khăn của các yếu tố tự nhiên đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp ở nước ta?

Gợi ý:

Các yếu tố tự  nhiên tạo cơ sở tiền đề để phát triển nông nghiệp:

Thuận lợi:

– Tài nguyên đất: Đa dạng : Tạo điều kiện để phát triển cây trồng đa dạng. Đất ở nước ta có hai loại chính:

+ Đất Feralit: Có diện tích khoảng 16 triệu ha, tập trung ở đồi núi, thích hợp để trồng cây công nghiệp lâu năm và một số cây ngắn ngày như sắn, ngô…

+ Đất phù sa: Tập trung ở đồng bằng, có khoảng 3 triệu ha, thích hợp để trồng lúa nước và nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày.

Hiện nay còn nhiều đất hoang hóa, phèn mặn cần được cải tạo. Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

-Tài nguyên khí hậu: Gồm hai đặc điểm chính:

+ Nhiệt đới gió mùa ẩm: Giàu nhiệt ẩm, tạo điều kiện cho cây, con sinh trưởng nhanh, phát triển quanh năm, có thể xen canh, luân canh, tăng vụ; nhưng sâu, bệnh nhiều.

+ Khí hậu phân hóa đa dạng theo chiều Bắc – Nam, theo độ cao và theo mùa nên trồng được cả cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới. Vì vậy, cơ cấu cây trồng đa dạng theo mùa, theo vùng.

Khó khăn: Nhiều thiên tai như : Bão, lũ lụt, hạn hán, sương muối, sương giá, gió Tây khô nóng. Mặt khác, nước ta nằm trong vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

– Tài nguyên nước: Cả nước trên mặt (sông ngòi, ao, hồ) và nước ngầm: Đều khá dồi dào, phục vụ cho việc tưới tiêu, nhất là vào mùa khô.

Khó khăn: Lũ lụt, thiếu nước vào mùa khô.

– Tài nguyên sinh vật: Rất phong phú, là cơ sở để thuần dưỡng và chọn giống.

Câu 2: Tại sao thủy lợi là biện pháp hàng đầu trong thâm canh nông nghiệp ở nước ta?

Gợi ý :

        Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với lượng mưa phân hóa theo mùa nên chế độ nước sông cũng theo mùa: Một mùa gây lũ lụt, một mùa gây thiếu nước tưới, đặc biệt ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong khi sản xuất nông nghiệp rất cần nước, như ông cha ta đã đúc kết: “ Nhất nước, nhì phân,…”. Vì vậy, cần làm thủy lợi để điều tiết nước (xây dựng hồ, đập chứa nước;  làm kênh mương, lắp đặt trạm bơm…)

Câu 3: Tại sao ở một nước nhiệt đới như Việt Nam vẫn trồng được một số cây vùng cận nhiệt và ôn đới? Kể tên, vị trí phân bố củ các loại cây đó?

Gợi ý:

– Vì khí hậu nước ta phân hóa theo độ cao. Ở những nơi có độ cao lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm như vùng ôn đới.

– Các cây: Quế, Hồi… ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; các loại rau, củ và hoa: ở  Đồng bằng  sông Hồng và ở Đà Lạt…

Câu 4: Phân tích những thuận lợi của các nhân tố KT-XH ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp ở nước ta?

Gợi ý :

Trong ản xuất nông nghiệp có sự tác động của 4 nhân tố KT-XH:

– Dân cư và lao động:

+ Đông, tăng nhanh tạo ra lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.

+ Người lao động cần cù, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.

– Cơ sở vật chất – kỷ thuật: Ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy SX nông nghiệp, gồm:

+ Hệ thống thủy lợi ( lấy ví dụ).

+ Hệ thống dịch vụ trồng trọt (lấy ví dụ).

+ Hệ thống dịch vụ chăn nuôi (lấy ví dụ).

+ Các cơ sở vật chất kỷ thuật khác.

– Chính sách phát triển nông nghiệp: Những chính sách này do Đảng và Nhà nước đề ra là cơ sở để động viên nhân dân vươn lên trong sản xuất. Ví dụ: Chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, sản xuất nông nghiệp hướng ra xuất khẩu…vv.

– Thị trường trong và ngoài nước: Thị trường luôn được mở rộng thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, thị trường còn biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp nước ta.

Câu 5: Ngành công nghiệp chế biến có vai trò gì đối với sản xuất nông nghiệp?

Gợi ý :

– Bảo quản sản phẩm nông nghiệp tốt, lâu dài.

– Góp phần tăng giá trị và khả  năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp.

– Nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định phát triển các vùng chuyên canh.

Câu 6: Ở nước ta, vùng nào trồng nào trồng nhiều cây lúa, cà phê, cao su? Giải thích sự phân bố đó?

Gợi ý

– Lúa: Tập trung ở ĐB sông Cửu Long, ĐB sông Hồng vì có diện tích đất phù sa lớn, địa hình bằng phẳng, khí hậu và các điều kiện KT-XH thuận lợi.

– Cà phê: Tập trung ở Tây Nguyên: Vì có đất Badan, khí hậu cận xích đạo.

– Cao su: Tập trung ở Đông Nam Bộ: vì có đất Bazan và đất xám, khí hậu cận xích đạo, địa hình thoải, gió nhẹ.

Câu 7: Ở nước ta, vùng nào nuôi nhiều trâu, bò, lợn, gia cầm ? Vì sao?

Gợi ý :

– Trâu: Ở Bắc Trung Bộ, nhiều nhất ở Trung du và Miền núi Bắc Bộ, vì khí hậu ở đây lạnh, trâu chịu lạnh tốt.

– Bò : Nhiều nhất ở Duyên hải Nam Trung Bộ, do địa hình đồi núi nhiều, đồng cỏ rộng.

–  Lợn: Tập trung ở ĐBSH, ĐBSCL, do thức ăn dồi dào từ lúa và hoa màu, dân đông nên tiêu thụ nhiều thịt.

– Gia cầm: Tập trung ở đồng bằng, do diện tích mặt nước rộng, nhiều thức ăn.

Lưu ý: Phần kỹ năng vẽ biểu đồ và nhận xét về sự thay đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, trồng trọt .

Câu 8: Tại sao cần đẩy mạnh trồng cây công nghiệp lâu năm ở nước ta?

Gợi ý:

– Góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, đất, địa hình), khắc phục tính thời vụ trong nông nghiệp.

– Giúp bảo vệ tốt môi trường.

– Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng, thu ngoại tệ.

– Giải quyết việc làm, góp phần phân bố lại dân cư.

III. NGÀNH LÂM NGHIỆP- THỦY SẢN

Câu 1: Trình bày đặc điểm tài nguyên rừng ở nước ta ? Vai trò của các loại rừng ? Vì sao rừng của nước ta bị suy giảm ? Biện pháp ?

Gợi ý:

– Đặc điểm tài nguyên rừng ở nước ta :

+ Độ che phủ rừng  liên tục giảm, chất lượng rừng giảm, rừng trồng lấn át rừng tự nhiên (dẫn chứng)

+ Gồm 3 loại rừng:

* Rừng đặc dụng: Bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Ví dụ : VQG Vũ Quang bảo vệ loài Sao la,…

* Rừng sản xuất: Cung cấp gỗ, củi,….

* Rừng phòng hộ: Giữ đất, chống xói mòn, chắn sóng, chắn cát,…

– Nguyên nhân làm tài nguyên rừng bị suy giảm: (Xem phần 1)

– Biện pháp:

+ Tuyên truyền ý thức trồng, bảo vệ rừng.

+ Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ.

+ Khen thưởng và xử lý kịp thời,….

Câu 2: Phân tích những thuận lợi và khó khăn của nước ta trong việc phát triển ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản ? Vì sao cần chuyển hướng khai thác xa bờ và đẩy mạnh nuôi trồng ?

Gợi ý :

– Về tự nhiên: (Xem phần nội dung cơ bản cần đạt )

– Về KT-XH:

+ Ngư dân đông, có kinh nghiệm, yêu nghề, bám biển

+ CSVC: Được trang bị tàu công suất lớn, hiện đại, dịch vụ nghề biển phát triển,…

+ Chính sách: Đảng và  Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. VD: Cho vay vốn để đóng tàu vỏ sắt, vỏ comperdit,…

+ Thị trường trong và ngoài nước được mở rộng

Khó khăn: Ngư dân còn nghèo, hải sản ven bờ bị cạn kiệt, thị trường còn nhiều biến động  ( GV cho học sinh lấy ví dụ)

– Cần chuyển hướng đánh bắt xa bờ và đẩy mạnh nuôi trồng vì:

+ Hải sản ven bờ bị cạn kiệt

+ Môi trường ven bờ bị ô nhiễm

+ Đánh bắt xa bờ để góp phần tăng sản lượng  vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển- đảo đất nước.

IV. NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Câu 1: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp nước ta?

Gợi ý:

Có hai nhóm nhân tố ảnh hưởng :

– Nhóm nhân tố tự nhiên:

+ Khoáng sản: Có khoảng 60 loại, chia làm 4 nhóm (năng lượng, kim loại, phi kim loại, VLXD) là cơ sở để phát triển cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng. Những khoáng sản có trữ lượng lớn là cơ sở để phát triển các ngành CNTĐ. Sự phân bố khoáng sản khác nhau tạo ra thế mạnh công nghiệp khác nhau ở mỗi vùng.

+ Thủy nông sông suối: Phục vụ để phát triển thủy điện. Nước ta do địa hình  chủ yếu là đồi núi nên sông dốc, trữ năng thủy điện lớn. VD: Trên sông Đà có 2 nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La….

+ Đất, nước, khí hậu. sinh vật: Có ảnh hưởng gián tiếp đến công nghiệp chế biến thông qua ngành Nông- Lâm- Thủy sản.

– Nhóm nhân tố KT-XH:

+ Dân cư:

– Lao động: Đông nên lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn, là cơ sở để phát triển các ngành cần nhiều lao động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta thấp lại phân bố chưa hợp lí gây khó khăn đến sản xuất công nghiệp.

+ CSVC-CSHT:

* CSVC: Thiếu đồng bộ, còn lạc hậu.

* Cơ sở hạ tầng ( Hệ thống điện, nước, giao thông,…) ngày càng được hoàn thiện

+ Chính sách phát triển công nghiệp: Có nhiều chính sách hợp lí như: Chính sách CNH và đầu tư, chính sách kinh tế đối ngoại,…
+ Thị trường: Trong và ngoài nước mở rộng, là yếu tố đầu ra đảm bảo duy trì sản xuất. Nhưng do chất lượng và mẫu mã còn hạn chế nên hàng công nghiệp nước ta bị cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường trong nước.

Câu 2: Hãy phân tích ý nghĩa của việc phát triển Nông – Lâm – Ngư nghiệp đối với ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm ?

 Gợi ý:

Phát triển Nông – Lâm – Ngư nghiệp tạo cơ sở nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến LTTP:

+ Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt: xay xát, sản xuất đường, sản xuất mì chính,…

+ Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi: chế biến thịt, trứng, sữa, đồ hộp,…

+ Công nghiệp chế biến thủy sản:  Làm nước mắm, sấy khô, đông lạnh,…

Câu 3: Thế nào là ngành công nghiệp trọng điểm? Kể tên các ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta và vị trí phân bố?

Gợi ý:

– Công nghiệp trọng điểm là ngành công nghiệp có các đặc điểm sau:

+ Chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp.

+ Có thế mạnh lâu dài.

+ Đem lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, góp phần  chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

– Một số ngành CNTĐ và phân bố : (Xem ở phần 1. Nội dung cơ bản cần đạt)

Câu 4: Tại sao nói Chế biến lương thực thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?

Gợi ý:

GV hướng dẫn học sinh dựa vào khái niệm ngành CNTĐ, hình 12.1 –SKG Địa lý 9 và giải thích theo 4 ý của khái niệm:

Câu 5: Nêu những thế mạnh của ngành Công nghiệp chế biến Lương thực – thực phẩm của nước ta?

Gợi ý :

– Có nguồn nguyên liệu dồi dào từ ngành  trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

– Có nguồn lao động dồi dào, thị trường trong và ngoài nước rộng lớn.

– CSVC phát triển khá.

– Đòi hỏi ít vốn, thu hồi vốn nhanh.

– Làm tăng giá trị của sản phẩm ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản sau khi chế biến. Tạo việc làm, tăng thu nhập.

V. NGÀNH DỊCH VỤ

Câu 1: Lập sơ đồ cơ cấu các ngành dịch vụ ? Chứng minh rằng: Kinh tế càng phát triển thì dịch vụ càng đa dạng ?

Gợi ý:

–  Sơ đồ cơ cấu ngành dịch vụ:  Xem bài tập 1 SGK  Trang 50.

Lưu ý: GV hướng dẫn HS điền tiếp để hoàn thành sơ đồ theo mục 1.

– Kinh tế càng phát triển thì cơ cấu ngành dịch vụ càng đa dạng, vì: khi kinh tế phát triển, con người có thêm nhiều nhu cầu mới, đa dạng hơn mà trước đây khi kinh tế kém phát triển chưa có, như:  Đi du lịch, ăn uống ở nhà hàng, ngủ khách sạn, sử dụng Internet,…Vì thế, ngành dịch vụ có thêm những hoạt động mới làm cơ cấu thêm đa dạng.

Câu 2: Tại sao các hoạt động dịch vụ ở nước ta phân bố không đều?

Gợi ý:

Vì sự phân bố các hoạt động dịch vụ phụ thuộc chặt chẽ vào sự phân bố dân cư và sự phân bố các ngành sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp). Mà các đối tượng này phân bố không đều nên dịch vụ cũng phân bố không đều. VD: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là  nơi có dân đông, kinh tế phát triển thì ngành dịch vụ phát triển và có cơ cấu đa dạng.

VI. GIAO THÔNG VẬN TẢI- BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG.

Câu 1: Nêu vai trò (ý nghĩa) của ngành GTVT? Hiện nay ở nước ta có những loại hình giao thông nào ? Loại hình nào phát triển nhất ? Vì sao?

Gợi ý:

– Vai trò: Xem phần 1.

– Hiện nay ở nước ta đã phát triển đầy đủ các loại hình giao thông, gồm: Bộ, sắt, sông , biển, hàng không và đường ống.

– Loại hình đường bộ phát triển nhất, vì:

+ Nhiều phương tiện tham gia ( dẫn chứng )

+ Được đầu tư nhiều nhất: Cầu hiện đại, đường cao tốc, hầm,…( GV hướng dẫn học sinh lấy dẫn chứng cụ thể)

+ Có tính cơ động cao.

Câu 2: Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau phải vượt qua những đèo nào?

Gợi ý:

Qua các đèo: Sài Hồ (Lạng Sơn), đèo Ngang ( giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), đèo Hải Vân (giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên), đèo Cả  (giữa Phú Yên và Khánh Hòa)

Câu 3: Nước ta có những thuận lợi gì để phát triển giao thông đường biển?

Gợi ý:

– Biển ấm quanh năm.

– Gần nhiều tuyến đường biển quốc tế.

– Bờ biển khúc khuỷu,có nhiều vũng vịnh sâu kín gió thuận lợi để xây dựng cảng. VD: cảng Cái Lân, Cửa Lò,Vũng Áng, Dung Quất, Quy Nhơn,…

Câu 4: Trình bày ý nghĩa của tuyến đường 1A, đường Hồ Chí Minh? Biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay là gì?

Gợi ý:

– Đường 1A có ý nghĩa: Là tuyến đường xương sống nối tất cả các vùng kinh tế (trừ Tây Nguyên) và hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của nước ta.

– Đường  Hồ Chí Minh: Là trục đường xuyên quốc gia thứ 2, có ý nghĩa thúc đẩy dải đất phía tây đất nước.

+ Có ý nghĩa lịch sử quan trọng: Giáo dục cho thế hệ trẻ về con đường huyền thoại của cha ông.

+ Góp phần giảm lượng xe cộ của đường 1A, giúp giãn dân vùng đồng bằng, ven biển.

+ Củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới.

– Biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông là: Nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người.

VII. THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH:

Câu 1: Hãy cho biết các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu của nước ta?

Gợi ý:

– Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm:

+ Hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp: quần áo may sẵn, mây tre đan, giày dép,…

+  Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản: Titan, than, dầu thô,…

+ Hàng Nông- Lâm- Thủy sản: Gạo, cà phê, cá tra, cá basa, tôm đông lạnh,….

– Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Câu 2: Chứng minh rằng: TNDL nước ta phong phú, đa dạng ?

Gợi ý:

– TNDL tự nhiên:

+ Phong cảnh đẹp: Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha,…

+ Bãi biển đẹp: Nước ta có trên 120 bãi biển đẹp như: Trà Cổ,  Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nha Trang,…

+ Nơi có khí hậu tốt phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng: SaPa, Đà Lạt, Ba Nà,…

+ VQG và khu bảo tồn: Nước ta có khoảng 30 VQG và khu bảo tồn, ngoài mục đích bảo vệ động, thực vật quý hiếm còn phục vụ phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm. VD: VQG Cúc Phương, Ba Bể, Ba Vì, Bến En, Vũ Quang,…

– TNDL nhân văn

+ Di tích lịch sử: Chiến trường Điện Biên Phủ, ngã ba Đồng Lộc, địa Đạo Vịnh Mốc, bến cảng Nhà Rồng, dinh Độc Lập,…

+ Công trình kiến trúc đẹp: phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn,.

+ Lễ hội dân gian: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ, lễ hội chùa Hương  và hội Gióng ở Hà Nội,  lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn- Hải Phòng, lễ hội cầu ngư của nhân  dân vùng ven biển,…

+ Làng  nghề truyền thống: Làng gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ ở Hà Nội, làng chiếu Nga Sơn- Thanh Hóa, ….

Câu 3: Kể tên 2 di sản thiên nhiên thế giới và một số di sản văn hóa thế giới của nước ta ?

Gợi ý:

– 2 di sản thiên nhiên thế giới của nước ta là: Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha.

– Các di sản văn hóa thế giới: phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long,….

Câu 4: Hãy sắp xếp các bãi biển sau theo thứ tự từ Bắc vào Nam:  Cửa Lò, Vũng Tàu, Thuận An, Nha Trang, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Thiên Cầm?

Gợi ý:

GV hướng dẫn HS quan sát Átlát Việt Nam trang 25  để sắp xếp, hướng dẫn học sinh kết hợp với phần địa lí Hà Tĩnh ở phần sau để tìm ra các tài nguyên du lịch của tỉnh nhà.

*Download file word Đề cương ôn tập học kì 1 môn Địa lý lớp 9.docx bằng cách click vào nút Tải về dưới đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *