Review các trường cấp 2 “chất lượng cao” tại Hà Nội

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Mấy nay các trường cấp 2 bắt đầu thi nhau đăng thông báo tuyển sinh, đâm ra các mẹ hỏi kinh nghiệm em cũng nhiều.

Em làm phát one for all ở đây cả nhà nhé:

1. Lý do em chọn trường chất lượng cao (CLC)

– Lý do đầu tiên hơi buồn cười: Có bán trú cả 4 năm học. 2 vợ chồng đều đi làm cả ngày, nghĩ đến thả con tự ăn + tự ngủ + 1 buổi tự chơi bời học hành em thấy không yên tâm tí nào.

– Lý do thứ 2, thẳng thắn mà nói, trường CLC học sinh ít hơn, đầu vào cũng chọn lọc hơn. Đa phần các con sẽ bắt đầu dậy thì trong thời gian học cấp 2 nên môi trường, bạn bè, thầy cô vô cùng quan trọng.

Việc ít học sinh hơn giúp thầy cô sát sao được hơn. Đầu vào chọn lọc hơn giúp cơ hội gần “đèn” của các con nhiều hơn. Cái này thực ra là quan điểm cá nhân, môi trường nào cũng có mặt nọ mặt kia. Cùng bố mẹ, cùng điều kiện giáo dục, kinh tế nhưng anh chị em có thằng làm giặc, thằng làm vua nên cũng khó nói lắm. Nên em xin phép chỉ trình bày quan điểm, không tranh luận ạ, hì hì.

2. Một số thông tin cơ bản về các trường CLC tại Hà Nội

(Cái này em viết theo trí nhớ và những cái mình tìm hiểu năm ngoái, ko chịu trách nhiệm về độ chính xác, mọi người tự kiểm chứng lại nhé ạ. Hé hé.)

– Hà Nội hiện tại có 7, 8 trường CLC gì đó. Các trường đều xét tuyển dựa trên học bạ + thi đầu vào nhưng năm nay có vẻ như yếu tố học bạ không quá nặng nữa (Ams năm ngoái bắt 10 tất, Cầu Giấy thì 7 trở lên là được, Lương Thế Vinh toán văn anh các năm phải trên 9…) – cái này các mẹ phải xem thông báo tuyển sinh năm nay ạ.

– Trường công trong nội thành có Cầu Giấy, Amsterdam, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân. Ams với Cầu Giấy khó hơn, Nam Từ Liêm với Thanh Xuân dễ hơn chút. Cơ sở vật chất đều khá ổn. Số lượng học sinh hình như tất cả các trường đều phải dưới 40. Chi phí bằng bằng nhau, tầm 3, 4 triệu ăn bán trú + học với hệ thường, 6, 7 triệu với hệ song ngữ. Các mẹ lưu ý có quy định gì đó của nhà nước là trường công CLC có quyền thu học phí đến hơn 5 triệu gì đó. Cầu Giấy năm kia 1,8 triệu, năm ngoái lên 2,5 triệu xong lại đọc được cái quy định 5 triệu kia nên em cũng bớt quyết tâm đi nhiều.

– Trường dân lập (không phải trường nào cũng được tính là CLC) nổi nổi có Archimes, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie thuộc tốp trên về chi phí, tất tần tật phải tầm 8-10 triệu/ tháng. Mấy trường này em không tìm hiểu nên ko biết chất lượng thực tế, nhưng thấy bảo các lớp chọn ổn lắm. Đoàn Thị Điểm năm ngoái thi ngày đầu tiên nên em đăng ký cho Chuối thi chơi lấy kinh nghiệm thì được biết lớp Cấp 1, Cấp 2, Cấp 3 cơ sở Mỹ Đình “cực ổn luôn”. Marie Curie con bà chị cùng cơ quan học năm vừa rồi bảo ăn ngon vô cùng, thầy hiệu trưởng dễ thương vô cùng.

– Trường dân lập và bán công có mức học phí vừa tầm gồm Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Lomonoxop. Chi phí trung bình tầm 5, 6 triệu/ tháng. Đầu vào đầu ra Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh nhỉnh hơn chút. Thi Nguyễn Tất Thành khó nhất, xong đến Lương Thế Vinh rồi đến Lomo, theo điểm thi của bà Chuối và đánh giá chung của các mẹ. Nguyễn Tất Thành năm ngoái lấy 240 thì tuyển thẳng (Toefl primary 230) đã lên đến cả trăm rồi nên cửa vào khá hẹp. Lương Thế Vinh tuyển 700/ 2 cơ sở, tuyển thẳng rất ít hoặc không có (con em chả bao giờ xuất sắc đến vậy nên ko để ý lắm) nên cửa vào cũng rộng hơn. Lomo thật lòng em cũng ko tìm hiểu kỹ lắm.

3. Thi  vào lớp chất lượng cao như nào?

Thẳng thắn mà nói, sức học bình thường ở trường công, không ôn, khó đỗ lắm ạ. Nội dung thi thì vẫn là kiến thức sách giáo khoa thôi nhưng cày xới kỹ lắm và nâng cao khá nhiều. Đa phần các bố mẹ quan tâm đến việc cho con thi vào chất lượng cao cấp 2 đều chủ động cho ôn từ đầu lớp 4, em cũng thấy nên túc tắc từ lúc đấy vì sẽ bớt căng thẳng, áp lực hơn. Chuối nhà em bắt đầu hơi muộn nên căng đét. Từ tết ra 1 tuần 7 buổi học thêm, thi tốt nghiệp xong em cho nghỉ ở trường luôn, thuê 1 cô kèm 2 trò mất 3 tuần, chỉ luyện đề và lấp chỗ trống.

Cách học từ giờ đến lúc thi (ý kiến cá nhân em): Hệ thống lại kiến thức, lượt lại 1 lượt theo chuyên đề, làm đi làm lại các dạng bài theo chuyên đề, kiểm tra xem trống chỗ nào lấp chỗ đó. Luyện đề, cày đi cày lại tiếp. Năm ngoái Chuối đi thi thử khá nhiều, em cho đi để luyện tâm lý. Năm nay Covid nên các nơi không tổ chức thi thử hay sao ý, giờ được đi học lại rồi, các mẹ search thử xem có nơi nào tổ chức không. Trò này khá vui đấy ạ.

4. Có nên thi vào các lớp CLC hay không?

Câu này các mẹ hỏi con, hỏi thêm giáo viên của con và tự hỏi mình, đừng hỏi em. Kinh tế có cố được không, con có chịu được áp lực thi cử không. Chả biết thế nào là giỏi, thế nào là dốt, đứa nào thì thành công, đứa nào sẽ thất bại, môi trường thế nào thì tốt với đứa nào, nên tốt nhất chỉ cung cấp thông tin và định hướng thôi.

Quy trình của em là thả cho chơi (tất nhiên có quan sát, có giới hạn) từ lớp 1 đến lớp 3, không học thêm nếm gì. Lớp 4 đi học thêm tuần 1 buổi toán vì kiến thức toán lớp 4 là kiến thức nền, rất quan trọng; 1 buổi Anh với người nước ngoài. Lớp 5 thêm 1 buổi Anh với cô Việt Nam để luyện ngữ pháp, từ vựng vì phát hiện nó dốt Anh nhất trong các môn, cực ghét học tiếng Anh. Cuối kỳ 1 lớp 5 bố mẹ xin ý kiến 3 cô: Cô chủ nhiệm lớp 5, cô dạy thêm toán, cô dạy thêm Anh thì các cô cho biết sức học ok, cố thì có hi vọng.

Sau đó nói chuyện nghiêm túc với nàng, trường thường thì thế, trường CLC thì thế. Nếu muốn học trường thường thì cứ thế này là được, muốn học CLC thì phải ôn, mẹ sẽ tìm lớp cho ôn và phải theo sắp xếp của mẹ. Nàng chọn phương án 2 và chổng mông lên học. Bố mẹ ủng hộ và theo dõi sát sao, chỉ chờ căng quá thì dừng vì lo nàng ko chịu được áp lực. Nhưng trộm vía nàng chịu rất tốt. Kết quả là bây giờ nàng học 1 trường CLC vừa sức kinh tế của bố mẹ và vừa sức học của nàng, tinh thần khá vui vẻ, thoải mái, thích trường, yêu bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *